1. Khái niệm môi giới thương mại
Điều 150 Luật Thương mại năm 2005 đã định nghĩa môi giới thương mại như sau:
“Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới”
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới thương mại
2.1 Nghĩa vụ và quyền của bên môi giới đối với bên được môi giới
+ Nghĩa vụ của bên môi giới
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ sau (Điều 151 Luật Thương mại năm 2005):
– Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng môi giới, có thể bên được môi giới phải cung cấp cho bên môi giới một số thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của mình. Bên môi giới chỉ được sử dụng các thông tin này để thực hiện việc môi giới theo hướng có lợi cho bên được môi giới mà không được cung cấp những thông tin đó cho khách hàng hay đối thủ cạnh tranh của người được môi giới.
– Bảo quản mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới khi kết thúc việc môi giới.
– Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.
Là người trung gian, bên môi giới có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn cho bên được môi giới. Bên môi giới phải có trách nhiệm cung cấp chính xác về tư cách pháp lý của đối tác cho các bên được môi giới. Căn cứ vào bản chất của hoạt động môi giới, bên môi giới, không tham gia vào quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại đã được giao kết giữa các bên. Do đó, không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước sự vi phạm hợp đồng của các bên được môi giới với nhau. Tuy nhiên, nếu được sự ủy quyền hợp pháp của một hoặc các bên được môi giới thì bên môi giới có thể thực hiện một số nghĩa vụ theo hợp đồng như giao hàng hay nhận tiền thanh toán…
– Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới.
+ Quyền của bên môi giới thương mại
– Được hưởng thù lao môi giới theo mức quy định trong hợp đồng môi giới.
Quyền hưởng thù lao của bên môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại với nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 153 Luật Thương mại năm 2005). Điều đó có nghĩa là việc các bên được môi giới không thực hiện hợp đồng đã giao kết hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới quyền hưởng thù lao của bên môi giới, quy định như vậy là phù hợp với chức năng của bên môi giới, bởi bên môi giới không thể chịu trách nhiệm cho khả năng thực hiện hợp đồng hoặc khả năng tài chính của các bên. Tuy nhiên, trong hợp đồng môi giới các bên có thể thỏa thuận thù lao môi giới chỉ phát sinh sau khi hợp đồng giữa các bên được môi giới thực hiện dưới các điều kiện mà bên được môi giới mong muốn.
Trong trường hợp, các bên được môi giới không giao kết được hợp đồng với nhau, bên môi giới không được hưởng thù lao môi giới nhưng nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên môi giới vẫn có quyền yêu cầu bên được môi giới thanh toán cho mình các chi phí hợp lý liên quan tới việc môi giới.
Nếu trong hợp đồng, các bên không thỏa thuận mức thù lao thì mức thù lao môi giới được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ (Khoản 2 Điều 153, Điều 86 Luật Thương mại năm 2005).
2.2 Nghĩa vụ và quyền của bên được môi giới đối với bên môi giới thương mại
+ Nghĩa vụ của bên được môi giới
Nếu các bên không có thỏa thuận khác bên được môi giới có các nghĩa vụ sau (Điều 152 Luật Thương mại năm 2005):
– Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;
– Trả thù lao môi giới và các chi phí khác cho bên môi giới.
+ Quyền của bên được môi giới
Luật Thương mại năm 2005 không quy định về quyền của bên được môi giới, tuy nhiên căn cứ vào các nghĩa vụ của bên được môi giới, có thể thấy bên được môi giới có các quyền sau:
– Yêu cầu bên môi giới bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu đã được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
– Yêu cầu bên môi giới không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của mình.
Trên đây là những vấn đề về môi giới thương mại dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0063