1. Quan hệ thương mại quốc tế
Quan hệ Thương mại quốc tế bao gồm quan hệ giữa các chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động đó cũng như quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Các tranh chấp phát sinh từ đó cũng được phân loại tương ứng và được giải quyết bởi những cơ chế khác nhau.
2. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
2.1 Giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể trực tiếp tiến hành hoạt động Thương mại quốc tế
Tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể này được giải quyết bằng tòa án hoặc trọng tài thương mại, nếu chúng không giải quyết được bằng thương lượng.
Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là quyền đương nhiên, các bên tranh chấp không cần phải thỏa thuận. Bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể khởi kiện tại tòa án nước mình, tòa án của bên vi phạm hoặc thậm chí tại tòa án của một nước thứ ba, tùy thuộc tòa án của các nước này có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp cụ thể đó không. Thẩm quyền của tòa án cũng có thể được xác lập bởi thỏa thuận của các bên, nếu pháp luật tố tụng của nước đó chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, quyết định của tòa án nước này muốn được thi hành tại một nước khác thì phải được nước khác đó công nhận. Bởi vậy, thuận tiện nhất là lựa chọn khởi kiện ở nơi mà bản án cũng cần được thi hành. Tòa án công nhận xem xét việc đáp ứng các điều kiện công nhận, nhưng không bao gồm xem xét lại sự việc.
Bên cạnh giải quyết tranh chấp bằng tòa án, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đặc biệt được ưa chuộng trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trọng tài chỉ có thẩm quyền nếu được các bên thỏa thuận. Thỏa thuận trọng tài có thể là thỏa thuận trong hợp đồng hoặc trong một văn bản riêng biệt, trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Thỏa thuận phải chỉ định một trung tâm trọng tài cụ thể hoặc một hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm, như được các bên tín nhiệm, thủ tục đơn giản, có thể thỏa thuận nơi tiến hành xét xử, nhất là giữ được bí mật và uy tín của các bên do phiên xét xử không công khai. Phán quyết trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành, trừ trường hợp bị tòa án hủy theo thủ tục hủy quyết định trọng tài, trong đó tòa án không xem xét lại sự việc mà chỉ xem xét việc tuân thủ các điều kiện và thủ tục tố tụng. Phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc nước ngoài muốn được thi hành tại một nước khác cũng phải được nước khác đó công nhận. Trong thủ tục công nhận này tòa án cũng không xem xét lại sự việc.
2.2 Giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài
Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước tiếp nhận đầu tư được giải quyết theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư đó và theo các công ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Ở Việt Nam, loại tranh chấp này được giải quyết thông qua tòa án, hoặc trọng tài nếu có sự thỏa thuận giữa đại diện cơ quan nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang cân nhắc việc tham gia Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ICSID). Khi tham gia công ước này, Nhà nước Việt Nam có thể bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng có thể khởi kiện nhà nước này theo định chế trọng tài của công ước này.
Trên đây là những vấn đề về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0078