Quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật thương mại?

1. Quảng cáo thương mại là gì?

Theo Luật Quảng cáo quy định thì “Quảng cáo là hoạt động giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời nhằm tạo ra sự hấp dẫn và kích thích người tiêu dùng nhằm thu hút người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm của mình“. (Điều 2)

Theo Luật thương mại năm 2005 quy định “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình”. ( Điều 102)

Như vậy, quảng cáo thương mại được hiểu là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, là một trong những quyền mà cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động mang tính chất thương mại được thực hiện khi kinh doanh tại Việt Nam.

 2. Đặc điểm của quảng cáo thương mại 

Thứ nhất, chủ thể hoạt động quảng cáo thương mại là thương nhân. Với tư cách là người kinh doanh, thương nhận thực hiện quảng cáo thương mại để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình hoặc thực hiện dịch vụ quảng cáo cho thương nhân khác.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện. Thương nhân có thể tự mình thực hiện các công việc cần thiết để quảng cáo hoặc thuê dịch vụ quảng cáo của thương nhân khác thông qua các hợp đồng dịch vụ. Do quảng cáo có tác động rất lớn đến hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ nên thương nhân sử dụng quảng cáo để khuếch trương hàng hóa, dịch vụ của mình. Trong trường hợp tự mình quảng cáo không đạt hiệu quả mong muốn, thương nhân có quyền thuê thương nhân khác thực hiện việc quảng cáo cho mình và phải trả chi phí dịch vụ vì việc đó.

Thứ ba, cách thức xúc tiến thương mại. Trong hoạt động quảng cáo, thương nhân sử dụng sản phẩm và phương tiện quảng cáo thương mại để thông tin về hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng.

Thứ tư, mục đích trực tiếp của quảng cáo thương mại là giới thiệu hành hóa, dịch vụ để xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận của thương nhân. Như vậy, thông qua quảng cáo, thương nhân có thể tạo sự nhận biết và kiến thức về hàng hóa, dịch vụ; có thể thu hút khách hàng đang sử dụng hàng hóa, dịch vục của công ty khác thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm và những lợi ích của một nhãn hiệu cụ thể hoặc thông qua việc so sánh tính ưu việt của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại

Thứ năm, quảng cáo là một loại thông tin có tính đơn phương, có vận dụng mọi biện pháp và phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ một sản phẩm, một nhãn hiệu, một doanh nghiệp nào đó… được nêu ra trong quảng cáo. Quảng cáo có tính thông tin một chiều từ phía người đưa ra thông tin, nhằm một mục tiêu là định hướng thái độ ứng xử của khách hàng. Trong quảng cáo, không có đối thoại mà chỉ là độc thoại. Đặc điểm này của quảng cáo có thể là nhược điểm cho người tiêu dùng trong việc đánh giá tính chính xác, trung thực của thông tin. 

3. Hợp đồng của dịch vụ quảng cáo thương mại

Khi mà doanh nghiệp kinh doanh không có kinh nghiệm hoặc điều kiện để tự minh tổ chức quảng cáo thì hoàn toàn có thể nhờ một bên khác thực hiện dịch vụ quảng cáo cho sản phẩm của mình. Việc thuê dịch vụ quảng cáo này được xác lập bằng Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại và phải được ký kết bằng văn bản. Về cơ bản, hợp đồng này cũng giống như đa số các loại hợp đồng khác khi phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan về quảng cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ thương mại. 

Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hợp đồng cung ứng dịch vụ nói chung. Ngoài điều khoản về chủ thể của hợp đồng (tên, địa chỉ điện thoại, fax, số tài khoản… của các bên), nội dung của hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại bao gồm các điều khoản thỏa thuận về sản phẩm quảng cáo thương mại, phương thức, phương tiện quảng cáo thương mại; thời gian, phạm vi quảng cáo; phí dịch vụ và các quyền, nghĩa vụ có liên quan của các bên…

Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại được ký bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Tuỳ thuộc nội dung, phạm vi sử dụng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại có thể là hợp đồng dịch vụ trọn gói, có thể là hợp đồng phát hành quảng cáo hay hợp đồng cho thuê phương tiện quảng cáo. Nếu sử dụng dịch vụ trọn gói, thương nhân kinh doanh dịch vụ sẽ tham gia vào hoạt động quảng cáo ngay từ khâu sáng tạo ra sản phẩm quảng cáo đến phát hành sản phẩm quảng cáo, sử dụng phương tiện quảng cáo mà các bên thỏa thuận lựa chọn cũng như các thủ tục pháp lý cần thiết để giới thiệu, khuyếch trương về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh trong khoảng thời gian và không gian mà các bên giao ước. Tuy nhiên, để thực hiện hợp đồng dịch vụ trọn gói, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo có thể phải ký kết một hoặc một số hợp đồng với người khác để thực hiện một số công đoạn của hoạt động quảng cáo như phát hành sản phẩm quảng cáo, thuê phương tiện quảng cáo…

Trường hợp thương nhân tự quảng cáo mà không thuê dịch vụ, hoạt động quảng cáo có thể được tiến hành thông qua hợp đồng phát hành quảng cáo, hợp đồng thuê phương tiện quảng cáo được ký kết giữa thương nhân quảng cáo với người phát hành quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo.

4. Các hoạt động quảng cáo bị cấm

Hoạt động quảng cáo là một hoạt động mang tính xã hội vì nó đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận đến nhiều người, nhiều lứa tuổi, thành phần trong xã hội. Nếu không có quy định quản lý chặt chẽ thì có thể sẽ xảy ra những hiện tượng như một quảng cáo không có chất lượng tốt được nhiều người biết đến, có thể gây bức xúc trong cộng động hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức khác. Bên cạnh đó, quảng cáo có ý nghĩa rất lớn trong việc mang lại cơ hội thương mại cho thương nhân và điều này mặt khác có thể dẫn đến nguy cơ làm giảm hoặc mất cơ hội thương mại của thương nhân khác. Nhằm xúc tiến thương mại và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, thương nhân có thể sử dụng quảng cáo như một công cụ để gièm pha, hạ thấp uy tín của thương nhân khác với mục đích thủ tiêu đối thủ cạnh tranh hoặc ngăn cản sự gia nhập thị trường của thương nhân mới. Do đó, giữa hoạt động quảng cáo và hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể chỉ tồn tại một ranh giới rất mỏng. Để khuyến khích phát triển kinh tế xã hội qua việc quảng cáo tuy nhiên vẫn đảm bảo trật tự thương mại trong khi hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo lợi ích của nhà nước, của người tiêu dùng và của các thương nhân, pháp luật nghiêm cấm một số hoạt động quảng cáo thương mại và những cấm đoán này có thể bị thay đổi phù hợp với từng thời kì. Các hành vi bị cấm được quy định trong Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

+ Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà nhà nước cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo (rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, thuốc lá, thuốc kých dục, thuốc kê theo đơn và các hàng hoá khác có quy định cấm quảng cáo);

+ Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng;

+ Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mĩ tục Việt Nam.

+ Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

+ Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

+ Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

+ Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

+ Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

+ Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

+ Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

+ Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

+ Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

+ Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

4- Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mĩ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

+ Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

+ Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

 Trên đây là những vấn đề về quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.

Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DN0147

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *