1. Hợp đồng gia công là gì?
Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa hợp đồng gia công hàng hóa với các loại hợp đồng khác.
Hợp đồng gia công trong thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa theo yêu cầu của bên đặt gia công với mục đích là hưởng thù lao, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền thù lao
2. Đặc điểm của hợp đồng gia công
– Hợp đồng gia công trong thương mại cũng có những đặc điểm chung của hợp đồng gia công trong dân sự như sau :
+ Là hợp đồng song vụ : Bên đặt gia công và bên nhận gia công đều có những quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
+ La hợp đồng ưng thuận : Hợp đồng gia công có hiệu lực ngay từ thời điểm các bên đã thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản của hợp đồng. Hợp đồng gia công không bao giờ có thể được thực hiện và chấm dứt ngay tại thời điểm giao kết, mà luôn đòi hỏi một khoảng thời gian đủ để bên nhận gia công có thể thực hiện được việc gia công của mình. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn được tính là khoảng thời gian hợp lý để thực hiện việc gia công đó.
Là hợp đồng có đền bù : Bên đặt gia công có nghĩa vụ thanh toán tiền công cho bên nhận gia công theo thỏa thuận. Việc không có thỏa thuận không được hiểu là không có đền bù.
– Hợp đồng gia công có những đặc điểm riêng so với các hợp đồng gia công trong dân sự khác về đối tượng, hình thức của hợp đồng
+ Đối tượng : Đối tượng của hợp đồng gia công trong thương mại là việc thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất ra sản phẩm mới. Sản phẩm mới được sản xuất ra theo hợp đồng gia công trong thương mại được gọi là hàng hóa gia công. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ những hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Hàng hóa có thể được gia công cho thương nhân nước ngoài, trường hợp hàng hóa được gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ở Việt Nam, gia công cho nước ngoài đóng một vài trò quan trọng ; theo số liệu thống kê, gia công xuất khẩu chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Những vấn đề về gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài được quy định trong Nghị định số 12/2006/NĐ-CP.
+ Hình thức : Hợp đồng gia công trong thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
+ Nội dung: Hợp đồng gia công có thể bao gồm những điều khoản quy định về : hàng hóa gia công, số lượng và giá nguyên vật liệu, giá gia công, phương thức thanh toán và các tài liệu kỹ thuật.
3. Những yêu cầu khi soạn thảo hợp đồng gia công
Một hợp đồng gia công theo đúng quy định trong Bộ luật dân sự 2015 sẽ phải có những nội dung sau:
– Thông tin của bên đặt gia công và bên nhận gia công hàng hóa.
– Đối tượng của hợp đồng gia công hàng hóa . Phần này sẽ phải nêu cụ thể hàng hóa mà bên đặt gia công thuê bên gia công thực hiện là hàng hóa nào, kích thước, chủng loại, chất lượng như thế nào.
– Tiền công và phương thức thanh toán. Điều khoản này hai bên có thể tự thỏa thuận.
– Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công. Để xây dựng điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công hàng hóa, quý khách hàng có thể căn cứ vào Điều 544 và Điều 545 Bộ luật dân sự 2015. Bao gồm các quyền và nghĩa vụ sau:
+ Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
+ Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
+ Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.
+ Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
+ Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra quý khách hàng cũng có thể xây dựng điều khoản riêng phù hợp với tình hình nội bộ doanh nghiệp nhưng cũng không được vi phạm các quy định nêu trên.
– Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công. Cũng tương tự như việc xây dựng quy định về quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công, quý khách hàng xây dựng điều khoản này cũng phải dựa trên quy định tại điều 546 và 547 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
+ Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
+ Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
+ Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
+ Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
+ Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
+ Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.
– Trách nhiệm về rủi ro. Điều khoản này do bên gia công và bên đặt gia công tự thỏa thuận nhưng phù hợp với quy định:
+ Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bên gia công và bê gia công có thể tự thỏa thuận dựa trên quy định tại điều 551 Bộ luật dân sự 2015.
4. Quyền và nghĩa vụ các bên
- a) Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
– Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thỏa thuận.
– Nhận lại toàn bộ tài sản gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
– Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hang hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.
- b) Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
– Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thoả thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.
– Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
– Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
– Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
– Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hóa trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Trên đây là những vấn đề về hợp đồng gia công hàng hóa. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0195