Doanh nghiệp công nghệ cao là gì? Quy định về thành lập doanh nghiệp công nghệ cao

1. Doanh nghiệp công nghệ cao là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật công nghệ cao năm 2008 giải thích: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Công nghệ cao năm 2008 giải thích: Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Căn cứ quy định tại các Điều 18 Luật công nghệ cao năm 2008 được sửa đổi tại Điều 75 Luật đầu tư cũ 2014 và hiện tại là tại Điều 76 Luật đầu tư 2020 cùng với quy định tại Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg thì Doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

(i) Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật này (có đính kèm phụ lục danh sách dưới đây)

(ii) Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành;

(iii) Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

(iv) Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:

– Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.

(v) Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:

– Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5%.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao

Căn cứ quy định tại Điều 5 Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao như sau:

Việc công nhận doanh nghiệp công nghệ cao được thực hiện dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

Về hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, trong đó có 01 một bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô, bao gồm:

  1. a) Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
  2. b) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
  3. c) Bản thuyết minh doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao.

Về trình tự, thủ tục:

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan để làm rõ những vấn đề nêu trong hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

Mẫu Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

4. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao

Điều 6 Quyết định 55/2010/QĐ-TTg quy định về thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Cụ thể:

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao mà doanh nghiệp không hoạt động;
  2. b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao;
  3. c) Vi phạm một trong các điều cấm của Luật Công nghệ cao;
  4. d) Không còn đáp ứng các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao trong quá trình hoạt động.

Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp vi phạm.

Trên đây là những vấn đề về Doanh nghiệp công nghệ cao là gì? Quy định về thành lập doanh nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.

Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để được nhận sự hỗ trợ.

DN0255

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *