Khái niệm công chứng
Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Ý nghĩa của hoạt động công chứng
Có thể thấy hoạt động công chứng mang tính pháp lý cao. Xét trên bình diện công dân thì văn bản công chứng là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, phòng ngừa tranh chấp, tạo ra sự ổn định của giao dịch dân sự, tài sản, bảo đảm trật tự, kỷ cương. Mặt khác, về phương diện Nhà nước thì văn bản công chứng tạo nên một bằng chứng xác thực, kịp thời không ai có thể phản bác chối cãi trừ trường hợp có ý kiến của người thứ ba và được quá trình tố tụng cho là đúng.
Tại sao pháp luật lại quy định các trường hợp từ chối công chứng
Luật Công chứng năm 2014 tại Điểm đ Khoản 1 Điều 17 thừa nhận Công chứng viên (sau đây gọi tắt là CCV) có quyền “được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Lý do là nhằm tránh tình trạng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sau khi đã được CCV công chứng rồi lại không có giá trị chứng cứ hoặc dẫn đến tình trạng vô hiệu hoặc có tranh chấp xảy ra trên thực tế. Nguyên nhân của việc CCV từ chối công chứng có thể là tại thời điểm đó các quy định của pháp luật liên quan đến các văn bản được yêu cầu công chứng có những bất cập; cũng có thể các văn bản được yêu cầu công chứng đó không có ý nghĩa, không đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý để được công chứng. Pháp luật quy định bản thân CCV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ,… nên với những trường hợp CCV cảm thấy không đủ tự tin để công chứng thì hoàn toàn có quyền từ chối công chứng. Tuy nhiên việc từ chối này phải tuân theo các quy định của pháp luật và phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng khi từ chối công chứng.
Xử lý vi phạm đối với công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng
– Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật Hanilaf: 096 226 4737 để nhận được sự giải đáp thắc mắc kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin chân thành cảm ơn hợp tác của Qúy khách hàng!.
DD1821