Bố mẹ chồng cho đất con trai con dâu có được hưởng không?

Bố mẹ chồng cho đất con trai và con dâu có được không?

Việc tặng cho đất đai được xác định là tặng cho tài sản, tuy nhiên không phải lúc nào người sử dụng đất cũng có thể tặng cho đất đai được . Bố mẹ chồng có thể tặng cho đất cho con trai và con dâu khi đáp ứng những điều kiện sau:

 Việc tặng cho đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và hợp đồng tặng cho đất cho con trai , con dâu sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định tại điều 459 của bộ luật dân sự 2015.

Ngoài ra, việc tặng cho đất đai còn phải đáp ứng thêm những điều kiện:

  • Người tặng cho phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
  • Đất vẫn còn trong thời gian sử dụng đất
  • Phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính’
  • Không nằm trong những trường hợp không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại điều 191 của luật đất đai năm 2013;

 

Đất bố mẹ chồng cho là tài sản chung hay tài sản riêng

Trong mối quan hệ hôn nhân vợ chồng, vấn đề tài sản là một trong những vấn đề quan trọng được pháp luật điều chỉnh cụ thể và rõ ràng. Theo quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân được chia làm 2 loại chính, đó là: tài sản chung và tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những tài sản sau đây:

  • Tài sản mà vợ, chồng có trước khi đăng ký kết hôn;
  • Tài sản được người khác tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân của mình;
  • Tài sản mà được sử dụng với mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu riêng của vợ, chồng;
  • Tài sản mà được phân chia riêng cho vợ, chồng khi thực hiện việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản được hình thành có nguồn gốc từ tài sản riêng của vợ, chồng; các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân sau khi đã phân chia tài sản chung;
  • Tài sản khác mà căn cứ theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra do hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn thu nhập từ lao động, các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sau khi thực hiện thủ tục phân chia tài sản chung;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung từ người khác và các tài sản khác mà vợ chồng có sự thỏa thuận với nhau đó là tài sản chung;
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Theo đó, bên cạnh những loại tài sản được xác nhận là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì đất được được bố mẹ chồng tặng cho chung cũng được coi là tài sản chung. Việc bố mẹ tặng cho đất đai phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Trong văn bản này cần được thể hiện ro nội dung việc tặng cho là dành cho cả con trai và con dâu. Thì lúc này, miếng đất đó sẽ là tài sản chung, thuộc sở hữu của cả vợ và chồng.

Trong một trường hợp khác, nếu bố mẹ chồng chỉ muốn tặng riêng cho con trai miếng đất này. Nhưng sau đó, khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ, người chồng vì một lý do nào đó lại muốn người vợ đồng sở hữu miếng đất thì khi ấy miếng đất cũng được coi là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, một khi miếng đất đã trở thành tài sản chung của cả hai vợ chồng thì mọi quyền quyết định các vấn đề về sử dụng và định đoạt miếng đất đó  thuộc vầ cả hai người. Mặc khác, nếu không may, cuộc hôn nhân đó đổ vỡ, dẫn đến việc ly hôn, tòa án phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân cũng sẽ quyết định chia đôi miếng đất này vì đó là tài sản chung. 

Nhưng nếu trường hợp, bố mẹ chồng lập hợp đồng tặng cho miếng đất nhưng trong đó chỉ nêu rằng tặng cho mình con trai thì đây được coi là tài sản riêng của người chồng. Người vợ sẽ không có quyền đồng sở hữu miếng đất được tặng cho. Và nếu cả trong trường hợp chẳng may cặp vợ chồng đó ly hôn, thì miếng đất này cũng không thuộc đối tượng tài sản cần phải được phân chia.

Như vậy, khi tiến hành thủ tục tặng cho đất đai, trong mọi mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với con trai, con dâu, hay cả mối quan hệ với vợ và chồng thì nên rõ ràng quan điểm với nhau, vì có thể gây mất lòng trước nhưng sẽ tránh những rắc rối về sau. Cho nên, mỗi khi được bố mẹ chồng tặng cho miếng đất thì nên làm rõ các trường hợp cụ thể sau:

  1. Bố mẹ chồng cho đất cho con trai và con dâu;
  2. Bố mẹ chồng cho đất riêng con trai;
  3. Bố mẹ chồng cho đất riêng con dâu.

Bố mẹ chồng cho đất cho con trai và con dâu

Cha mẹ cho đất cho cả hai vợ chồng thì đây là tài sản chung của vợ chồng. Nên, theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất là tài sản chung thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ các trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Thủ tục bố mẹ chồng tặng cho đất cho con trai và con dâu:

– Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: 

Hồ sơ công chứng, chứng thực Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con, cụ thể như sau:

+ Bên tặng cho (bố mẹ) cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân / Hộ chiếu;
  • Sổ hộ khẩu;
  • Giấy đăng ký kết hôn.

+  Bên nhận tặng cho (con trai và con dâu) cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân / Hộ chiếu;
  • Sổ hộ khẩu;
  • Giấy khai sinh;
  • Giấy đăng ký kết hôn / Giấy tờ về tình trạng hôn nhân.

Thủ tục người thực hiện công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:

+ Người sử dụng đấy điền vào phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của các văn bản phòng công chứng, hoặc viên chứng thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

+ Văn phòng công chứng soạn Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo yêu cầu của người sử dụng đất;

+ Công chứng viên thực hiện công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

– Kê khai và nộp hồ sơ đăng ký sang tên quyền sử dụng dụng đất cho con, cụ thể:

+ Hồ sơ kê khai bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động quyền sử dụng đất;
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn / giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Tờ khai lệ phí trước bạ, thu nhập cá nhân …

+ Địa điểm nộp hồ sơ: Hồ sơ sang tên quyền  sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên và môi trường nơi có đất, tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp bố mẹ chồng tặng cho đất cho cả hai vợ, chồng nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) chỉ đứng tên chồng:

Cần lưu ý trường hợp này, bởi vì khi vợ, chồng khi cùng được bố mẹ chồng tặng cho đất thì đây được xem là tài sản chung của hai vợ chồng, Đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Đồng thời, hai vợ, chồng sẽ bình đẳng với nhau trong việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt nhà, đất được bố mẹ chồng cho chung này. Do đó, về việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu nhà, đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì Giấy chứng nhận này phải được ghi tên của cả hai vợ chồng trừ trường hợp thỏa thuận khác. Nên, trong trường hợp khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chỉ đứng tên chồng, thì cần làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận.

Theo quy định của pháp luật, đối với tài sản chung của vợ chồng đã đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ghi tên của cả vợ và chồng. Căn cứ theo các quy định này, nếu miếng đất được bố mẹ chồng cho chung cả hai vợ chồng thì đây là tài sản chung vợ trong thời kỳ hôn nhân (nếu hai vợ chồng không có thỏa thuận khác hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân). Do đó, nếu do một sai sót nào đó hay một nguyên nhân nào đó mà sổ đỏ chỉ đứng tên mình chồng thì vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi sổ đỏ để ghi tên cả vợ, chồng theo thủ tục sau đây:

– Chuẩn bị hồ sơ cấp đổi sổ đỏ, bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ theo mẫu quy định;
  • Bản gốc sổ đỏ đã cấp;
  • Ngoài ra còn cần có Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với bên tặng cho là tên của cả hai vợ, chồng; hoặc Thỏa thuận trong đó nêu rõ nhà đất được tặng cho cả hai vợ chồng …

Cần lưu ý rằng, người vợ trong trường hợp này phải chứng minh được miếng đất đó là tài sản do bố mẹ chồng cùng tặng cho hai vợ chồng để có căn cứ cấp đổi sổ đỏ. Do đó, khi nộp hồ sơ người vợ cần cung cấp một một số bằng chứng chứng minh việc mình có quyền sở hữu mảnh đất đó như hợp đồng tặng cho của bố mẹ chồng cho hai vợ chồng ,…

– Địa điểm nộp hồ sơ: Vợ, chồng muốn cấp đổi sổ đổ bổ sung thêm tên của vợ, chồng được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc cũng có thể nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, và trong vòng 03 ngày, ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu những địa điểm này đã có bộ phận một cửa theo Quyết định của tỉnh thì vợ chồng sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của cơ quan tương ứng nêu trên. Do đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, vợ chồng có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ theo nhu cầu.

Bố mẹ chồng cho đất cho riêng con trai

– Bố mẹ cho đất con trai trước thời kỳ hôn nhân được quy định như sau:

  • Bố mẹ cho đất con trai trước thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản riêng của con trai.
  • Trường hợp nếu sau khi kết hôn, con trai hợp nhất miếng đất mà bố mẹ cho vào khối tài sản chung của vợ chồng thì con dâu vẫn được hưởng.

– Bố mẹ chồng cho đất con trai trong thời kỳ hôn nhân, được pháp luật quy định như sau:

Nếu trong thời kỳ hôn nhân, bố mẹ cho đất riêng con trai thì đây là tài sản riêng của người chồng. Do đó, nếu cha mẹ chồng tặng riêng đấy cho chồng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chỉ có tên một mình người chồng là đúng theo quy định.

Ngoài ra, đối với tài sản riêng này, người chồng có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, quyết định nhập hoặc không nhập vào tài sản chung. Đồng nghĩa, người vợ sẽ không có  quyền gì với nhà, đất này trừ trường hợp người chồng đồng ý và có thỏa thuận với người vợ về việc nhập tài sản riêng (nhà, đất được tặng cho riêng) vào khối tài sản chung vợ, chồng.

– Đất được bố mẹ cho riêng nhưng sáp nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng:

Theo quy định của pháp luật, dù là trước hay trong thời kỳ hôn nhân, đất được bố mẹ cho riêng con trai nhưng hai vợ chồng thỏa thuận và thực hiện thủ tục sáp nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng thì đây là tài sản chung của vợ chồng và vợ có quyền hưởng sau khi ly hôn.

Theo đó sẽ có hai trường hợp nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng như sau:

  1. Nhập trước khi kết hôn: Đối với trường hợp này được quy định là thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng. Cũng theo đó, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn và bằng văn bản có công chứng/ chứng thực.
  2.  Nhập sau khi kết hôn: Đây là hình thức thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Với tài sản là đất đai, theo Luật đất đai chỉ quy định các loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thừa kế. Do đó, văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng là đất đai vào tài sản chung của vợ chồng không phải là một trong những loại văn bản phải công chứng, chứng thực.

Như vây, chỉ khi thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn thì văn bản này phải công chứng, chứng thực; còn nếu sau khi kết hôn thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

– Một số điều cần lưu ý trong trường hợp bố mẹ chồng cho đất riêng cho con trai, cụ thể như sau:

+ Như đã trình bày ở trên, nếu bố mẹ tặng riêng đất cho con trai (người chồng) khi đã kết hôn nhưng có thực hiện đầy đủ các giấy tờ thưởng hưởng riêng cho một mình con trai thì mảnh đất này vợ không được thừa hưởng.

+ Tuy nhiên, đối với tài sản riêng của vợ hoặc chồng, người còn lại sẽ được hưởng nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Chồng/ vợ đồng ý gộp đất vào tài sản chung hoặc có các văn bản có giá trị pháp lý đồng ý việc vợ/chồng được thừa hưởng. Như là việc chồng/vợ – người đứng tên sở hữu tài sản hợp pháp là người trực tiếp xin Văn phòng quản lý đất đai làm thủ tục sổ đỏ cho hai người cùng đứng rên, thêm tên vợ/chồng vào sổ đỏ;
  • Trường hợp chồng/vợ chết không để lại di chúc, vợ/chồng sẽ được thừa kế tài sản của chồng theo hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định của Bộ luật dân sự, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Trường hợp chồng/vợ chết có để lại di chúc và chỉ định vợ/chồng được hưởng di sản (trường hợp này là mảnh đất được bố mẹ chồng cho) thì người còn sống có quyền được hưởng di sản theo di chúc. 

Bố mẹ chồng cho đất cho riêng con dâu

Trước tiên, chúng ta xác định điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất được quy định theo pháp luật hiện hành, bao gồm những điều kiện cụ thể như sau:

– Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

– Người được nhận tặng cho quyền sử dụng đất có thể là Nhà nước, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cần lưu ý, đối với trường hợp người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được tặng cho quyền sử dụng đất.

Theo đó, bố mẹ chồng hoàn toàn có thể tặng cho đất cho con dâu. Cùng với đó, việc bố mẹ chồng tặng đất cho con dâu cũng không phải nộp các loại thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật như: bố mẹ chồng tặng đất cho con dâu cũng thuộc trường hợp được miễn lệ phí trước bạ; miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong trường hợp bố mẹ chồng tặng đất cho con dâu … Tuy nhiên, vẫn cần nộp các loại chi phí liên quan đến việc sang tên, các loại chi phí cụ thể căn cứ vào Quyết định do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành về vấn đề này.

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con dâu phải được công chứng, chứng thực và thực hiện các thủ tục về tặng đất được trình bày ở trên. Cụ thể, bố mẹ chồng và con dâu cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:

  • Hợp đồng tặng cho các bên soạn thảo và được công chứng, chứng thực đúng quy định pháp luật;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của các bên, như là: chứng minh nhân dân / căn cước công dân / hộ chiếu của các bên tham gia;
  • Sổ hộ khẩu bản sao công chứng chứng thực;
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho;
  • Những giấy tờ khác xác nhận tình trạng hôn nhân của các bên;
  • Văn bản cam kết của các bên giao dịch về đối tượng giao dịch là có thật.

Việc thực hiện thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận trong trường hợp này cũng được nộp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Trường hợp đã đầy đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy biên nhận cho người thực hiện thủ tục; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, thì trong thời hạn 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người thực hiện thủ tục hoàn thiện hồ sơ.

Các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện thủ tục tặng cho đất cho con cái

Trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì cũng cần phải thể hiện rõ ràng về mặt quan điểm với nhau vì có thể gây ra những rắc rối hay những tranh chấp về những quyền lợi không đáng có sau này, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Do đó, khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất thì bên tặng cho nên làm rõ những vấn đề sau:

– Một là xác định rõ ràng đối tượng được tặng cho đất. Cụ thể là xác định rõ tặng riêng cho con trai, con dâu hay là tặng cho chung cả hai vợ chồng. Việc xác định đối tượng này rất quan trọng bởi nếu không xác định rõ ràng, có thể sẽ làm phát sinh những mâu thuẫn, bất hòa giữa vợ chồng và giữa bố mẹ với con cái. Về mặt pháp luật, ý chí của cha mẹ khi tặng cho đất là yếu tố then chốt xác nhận xem ai là người có quyền sở hữu miếng đất đó mà không phải chịu bất kỳ sự ràng buộc hay tác động từ ý chí của người nào. Nếu việc tặng cho được thiết lập dựa trên sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa thì việc tặng cho đó sẽ bị vô hiệu, không có giá trị về mặt pháp lý.

– Hai là hình thức của việc tặng cho:

+ Khi bố mẹ tặng cho con cái quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất thì bắt buộc phải được lập thành văn bản dưới hình thức là hợp đồng tặng cho tài sản đồng thời văn bản này phải được Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về công chứng hiện hành thì mới có giá trị về mặt pháo lý, là cơ sở để thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất.

+ Nếu việc tặng cho đất đai, nhà cửa chỉ được thực hiện bằng miệng thôi thì chưa đủ căn cứ pháp lý để xác lập quyền sở hữu đối với miếng đất cũng như không phát sinh quyền lợi của người được tặng cho trong trường hợp này. Việc không lập hợp đồng tặng cho và công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho không chỉ gây rủi ro cho những người vợ, người chồng khi bố mẹ nói rằng việc tặng cho là cho cả 2 vợ chồng mà sau này người chồng, người vợ có thể trở mặt bố mẹ chỉ tặng cho riêng mình hoặc trường hợp ông bà không muốn tặng cho nữa.

+ Bên cạnh đó, những rủi ro pháp lý cũng thể xảy đến với chính người được tặng cho nếu chẳng may bố mẹ nói tặng cho nhưng chưa làm các thủ tục liên quan đến việc sang tên mảnh đất mà đã chết. Lúc này, chính người con trai có thể gặp phải những rắc rối về thừa kế với những người cùng hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ mình trong trường hợp bố mẹ không để lại di chúc

Như vậy, nếu được bố mẹ tặng cho đất thì nên cẩn trọng thực hiện những lưu ý phía trên mà bài viết đã trình bày để tránh những rắc rối không đáng có có thể gặp phải,

Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0071

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *