Quy định nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng?

Công trình xây dựng và các loại của nó

Công trình xây dựng là những sản phẩm được kiến tạo lên nhờ sức lao động của côn người hay máy móc, các vật liệu xây dựng và các thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặc đấy, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế.

Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác. Hiểu một cách đơn giản thì công trình xây dựng là sản phẩm của ngành xây dựng, do những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tạo ra, đó chính là những ngôi nhà, trường học, bệnh viện, đường giao thông, siêu thị, chung cư, … tất cả đều được gọi chung là công trình xây dựng.

Hiện nay, công trình xây dựng được chia ra làm 5 loại chính căn cứ theo những lĩnh vực trong đời sống xã hội, đó là:

  • Công trình dân dụng: Bao gồm nhà ở và công trình công cộng (ví dụ: công trình giáo dục, y tế, thể thao; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc của các tổ chức xã hội, sự nghiệp và doanh nghiệp; nhà ga, trụ sở cơ quan nhà nước);
  • Công trình công nghiệp: Bao gồm công trình sản xuất vật liệu xây dựng; công trình luyện kim và cơ chế chế tạo; công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công trình dầu khí; công trình năng lượng; công trình hóa chất; công trình công nghiệp nhẹ;
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật: Bao gồm các công trình cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn, đèn sáng công cộng và các công trình khác như: nghĩa trang, nhà hỏa tháng, công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, … ;
  • Công trình giao thông: Loại công trình thuộc gói công trình giao thông bao gồm  công trình đường bộ, đường sắt, cầu, hầm, công trình hàng hải, công trình hàng không;
  • Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Nằm trong gói này bao gồm công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác.

Nghiệm thu công trình xây dựng và các giai đoạn của nó

Nghiệm thu là quá trình kiểm định, thu nhận và kiểm tra. Nghiệm thu công trình xây dựng là một trong các hoạt động thuộc trình tự quản lý thi công xây dựng công trình. Hoạt động nghiệm thu được diễn ra trong khi đang tiến hành hoặc sau khi đã hoàn thành xong hoạt động thi công xây dựng công trình.

Theo đó, việc nghiệm thu công trình xây dựng là việc kiểm định, thu nhận và kiểm tra các công việc trong việc xây dựng các công trình đã nêu ở trên. Ngoài ra, cần lưu ý đến việc nghiệm thu một số công trình đặc biệt, đó là các dự án quan trọng quốc gia và công trình sử dụng vốn đầu tư công. 

  • Dự án quan trọng quốc gia bao gồm: dự án quan trọng quốc gia theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công; dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Công trình sử dụng vốn đầu tư công là công trình sử dụng một trong các loại vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật hiện hành, việc nghiệm thu công trình xây dựng được quy định cụ thể tại điều 21 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

– Chủ thể và căn cứ nghiệm thu công việc xây dựng:

  • Căn cứ vào kế hoạch thí nghiệm, kiểm tra đối với các công việc xây dựng và tiến độ thi công thực tế trên công trường, người trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình và người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu thì công việc xây dựng công trình thực hiện nghiệm thi công việc xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng công việc xây dựng đã được thi công, nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản;
  • Người giám sát thi công xây dựng công trình phải căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng, các kết quả kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng có liên quan đến đối tượng nghiệm thu để kiểm tra các công việc xây dựng được yêu cầu nghiệm thu;

Trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu như sau:

  • Hội đồng do Thủ tướng chính phủ thành lập tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng và dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp;
  • Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với công trình xây dựng không thuộc trường hợp trên.

– Thời gian nghiệm thu công việc xây dựng: Người giám sát thi công xây dựng phải thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng trong khoảng thời gian không quá 24 giờ kể từ khi nhận được để nghị nghiệm thu công việc xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng. Trường hợp không đồng ý nghiệm thu phải thông báo lý do bằng văn bản cho nhà thầu thi công xây dựng.

– Nội dung biên bản và thành phần ký biên bản nghiệm thu công việc xây dựng:

+ Nội dung biên bản nghiệm thu công việc xây dựng:

Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng được lập cho từng công việc xây dựng hoặc lập chung cho nhiều công việc của một hạng mục công trình theo trình tự thi công, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên công việc được nghiệm thu;
  • Thời gian và địa điểm nghiệm thu;
  • Thành phần ký biên bản nghiệm thu;
  • Kết luận nghiệm thu, trong đó nêu rõ chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu; đồng ý cho triển khai các công việc tiếp theo; yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện công việc đã thực hiện và các yêu cầu khác (nếu có);
  • Chữ ký, họ và tên, chức vụ của người ký biên bản nghiệm thu;
  • Phục lục kèm theo (nếu có).

+ Thành phần ký biên bản nghiệm thu công việc xây dựng:

Biên bản nghiệm thu với các nội dung tại mục đã nêu trên thì thành phần ký biên bản nghiệm thu được quy định như sau:

  • Người trực tiếp giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư;
  • Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu thi công xây dựng hoặc của tổng thầu, nhà thầu chính;
  • Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu phụ đối với trường hợp có tổng thầu, nhà thầu chính.

– Thành phần ký biên bản nghiệm thu trong trường hợp áp dụng hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay, nhà thầu là liên danh:

+ Thành phần ký biên bản nghiệm thu trong trường hợp áp dụng hợp đồng EPC. Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Procurement – Construction viết tắt là EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến khi thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình. Với các trường hợp áp dụng hợp đồng EPC, thành phần ký biên bản nghiệm thu được các quy định như sau:

  • Người trực tiếp giám sát thi công xây dựng của tổng thầu EPC hoặc người trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư đối với phần việc do mình giám sát theo quy định của hợp đồng;
  • Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của tổng thầu EPC. Hợp đồng thổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng. Trường hợp đấu thầu EPC thuê nhà thầu phụ thì người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của tổng thầu EPC và người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu phụ ký biên bản nghiệm thu;
  • Đại diện chủ đầu tư theo thỏa thuận với tổng thầu (nếu có).

+ Thành phần ký biên bản nghiệm thu trong trường hợp áp dụng hợp đồng chìa khóa trao tay: Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng. Đối với các trường hợp áp dụng chìa khóa trao tay, thành phần ký biên bản nghiệm thu bao gồm:

  • Người trực tiếp giám sát thi công xây dựng của tổng thầu;
  • Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của tổng thầu.

+ Thành phần ký biên bản nghiệm thu trong trường hợp nhà thầu là liên danh. Trước hết cần hiểu liên danh là sự liên kết về mặt danh nghĩa. Theo đó, nhà thầu liên danh là việc các nhà thầu hợp tác trên danh nghĩa của nhiều nhà thầu. Trường hợp nhà thầu là liên danh thì người phụ trách trực tiếp thi công của từng thành viên trong liên danh ký biên bản nghiệm thu công việc xây dựng do mình thực hiện. 

Như vậy, nghiệm thu công trình xây dựng là việc kiểm tra đối với các công việc xây dựng và tiến độ thi công thực tế trên công trường. Việc nghiệm thu công trình xây dựng có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm tra và bảo đảm độ an toàn để đưa công trình vào sử dụng. Việc đánh giá thông qua quá trình nghiệm thu sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về hạng mục thi công cũng như đánh giá mức độ an toàn khi đưa công trình vào sử dụng. Trong quá trình nghiệm thu nếu có phát hiện ra những bộ phận kém chất lượng trong quá trình thi công do lỗi của nhà thầu thì buộc nhà thầu phải khắc phục hậu quả và chịu mọi chi phí kể từ cả các chi phí kiểm định phúc tra. Trong trường hợp do lỗi của chủ đầu tư khiến cho công việc không được nghiệm thu thì bắt buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả và phải đền bù mọi chi phí tổn thất cho nhà đầu tư. 

– Các giai đoạn nghiệm thu của công trình xây dựng:

Theo quy định của pháp luật, thông thường để nghiệm thu công trình xây dựng bao gồm các giai đoạn nghiệm thu sau đây:

  1. Giai đoạn 1: Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng;
  2. Giai đoạn 2: Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng.

Cụ thể,

+ Về giai đoạn nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng. Thi công xây dựng bao gồm việc xây dựng, lắp đặt nội ngoại thất cho công trình mới; sử chữa, cải tạo, phục hồi công trình cũ; bảo trì công trình đã thi công hoặc di dời, phá dỡ công trình đã hết hạn. Quy trình thi công xây dựng bao gồm các giai đoạn sau:

  • Chọn nhà thầu cho việc thi công xây dựng;
  • Quy hoạch công trình xây dựng;
  • Công tác chuẩn bị trước khi thi công xây dựng;
  • Tiến hành xây dựng phần thô;
  • Hoàn thiện quy trình thi công xây dựng;
  • Nghiệm thu công trinh thi công xây dựng.

Vậy, Nghiệm thu công trình thi công xây dựng là bước cuối cùng sau khi hoàn tất tất cả các giai đoạn đã nêu trên, đây là quá trình so sánh, đối chiếu giữa bản vẽ thiết kế và công trình hoàn thiện.

+ Về giai đoạn nghiệm thu hoàn thành mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng: Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu. Hiện nay, Chính phủ có quy định cụ thể, chi tiết về việc nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng. Chủ đầu tư sẽ tiến hành lập biên bản nghiệm thu nếu công trình hoặc hạng mục xây lắp có chất lượng đạt yêu cầu, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm các chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất và có biên bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng đối với hồ sơ nghiệm thu. Các bên tham gia nghiệm thu sẽ cử đại diện hợp pháp để ký vào biên bản nghiệm thu.

Ngoài ra, trong trường hợp công trình đã hoàn thành thi công xây dựng nhưng có một số chỉ tiêu, thông số kỹ thuật chủ yếu không đáp ứng được yêu cầu thiết kế và không hoặc chưa đủ điều kiện để nghiệm thu hoàn thành hoặc nghiệm thu có điều kiện theo quy định thì sẽ phải sửa lại theo yêu cầu của nhà đấu thầu đến khi đáp ứng đủ các tiêu chí và việc nghiệm thu lại được thông qua. Không chỉ vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan thỏa thuận về thời điểm nghiệm thu, trình tự và nội dung nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản cụ thể.

Quy định về việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng

Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng hay còn gọi là nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết. Theo quy định tại điều 22, Nghị định 06/2021/NĐ-CP về việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng như sau:

– Các trường hợp tổ chức nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng công trình hoặc bộ phận công trình xây dựng: 

Căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về việc tổ chức nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng trong 02 trường hợp sau:

  • Khi kết thúc một giai đoạn thi công hoặc một bộ phận công trình cần phải thực hiện kiểm tra, nghiệm thu để đánh giá chất lượng trước khi chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo;
  • Khi kết thúc một gói thầu xây dựng.

– Cơ sở của việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng công trình hoặc bộ phận công trình xây dựng:

Việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng được thực hiện trên cơ sở xem xét kết quả các công việc đã được nghiệm thu theo quy định tại điều 21 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, các kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng và các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng để đánh giá các điều kiện nghiệm thu theo thỏa thuận giữa các bên.

– Thời điểm tổ chức nghiệm thu, nội dung, điều kiện và thành phần tham gia nghiệm thu trong trường hợp này: Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về thời điểm tổ chức nghiệm thu, trình tự, nội dung, điều kiện và thành phần tham gia nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản.

Theo đó, quy định kết quả nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng công trình phải lập thành biên bản và ghi kết luận về sự phù hợp với tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng công trình được phê duyệt; cho phép chuyển giai đoạn thi công xây dựng.

Như vậy, giai đoạn thi công xây dựng tiếp theo được tiến hành sau khi giai đoạn thi công xây dựng trước đó được nghiệm thu hoàn thành. Việc nghiệm thu hoàn thành giai đoạn thi công xây dựng nhằm kiểm soát chất lượng trong quá trình thi công xây dựng.

Lưu ý: Thực tế trong quá trình xây dựng công trình, một số công việc xây dựng như cốt thép, cốp pha tầng 1 … (thuộc giai đoạn kết cấu phần thân) được triển khai thi công sớm hơn ngày nghiệm thu hoàn thành giai đoạn thi công phần móng, không có mâu thuẫn so với các quy định của nghị định khác của pháp luật vì các lý do sau:

  • Một số công việc xây dựng kể trên được triển khai thi công trên cơ sở công việc xây dựng trước đó đã hoàn thành, đã có biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành;
  • Đối với công việc thi công bê tông: nhà thầu có thể thực hiện các công việc thi công xây dựng tiếp the trong thời gian bê tông đạt cường độ R28 theo thiết kế và hoàn toàn chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng của các kết cấu bê tông theo thiết kế.

Như vậy, công trình xây dựng là sản phẩm quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay. Các giai đoạn nghiệm thu công trình càng chặt chẽ và nghiêm ngặt bao nhiêu càng góp phần đảm bảo sự an toàn của công trình bấy nhiêu. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số trường hợp lỏng lẻo giáo điều trong công tác nghiệm thu, vì vậy mà khi công trình đi vào sử dụng gặp phải những sự cố đáng tiếc. Vì vậy, trong mỗi giai đoạn của xây dựng công trình, nhà nước, chủ thầu, công nhân làm việc trực tiếp đều có vai trò quan trọng về việc đảm bảo sự an toàn của công trình một cách tốt nhất.

Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0038

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *