Quy định về quản lý, sử dụng đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng?

Những văn bản luật về quản lý, sử dụng đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng 

+ Luật Đất đai năm 2013;

+ Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

+ Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

+ Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 09 năm 2017 quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

+ Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

+ Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 quy định về hồ sơ địa chính;

+ Thông tư 01/2021/TT-BTNMT ngày 12 tháng 04 năm 2021 quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng là gì?

Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, phản ánh những hư ảo trong thực tại xã hội bằng những lực lượng siêu tự nhiên. Họ tin rằng có những lực lượng siêu tự nhiên nào đó quyết định số phận của con người và con người cần phải phục tùng, tôn thờ họ. Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hiện nay, tôn giáo tại Việt Nam cũng khá đa dạng như: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Đạo Mẫu, Hồi giáo, Bà – la – môn…

Đất cơ sở tôn giáo là loại đất bao gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. Nhà nước sẽ giao đất không thu tiền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo khi Nhà nước giao đất cơ sở tôn giáo.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Tín ngưỡng có nhiều loại khác nhau như: tín ngưỡng phồn thực; tín ngưỡng sùng bái tự nhiên (tín ngưỡng đa thần như trời, đất, sông, núi,…) và tín ngưỡng sùng bái loại vật (rồng, rắn, cá, cây lúa, cây đa,…), tín ngưỡng sùng bái con người, tín ngưỡng thờ thổ công, thần tài hay thờ Tứ bất tử (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà chúa Liễu Hạnh). 

Đất tín ngưỡng là loại đất có những công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. Người sử dụng đất tín ngưỡng phải sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối tượng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quá trình sử dụng đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng gồm có:

+ Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trường thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được công đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.

+ Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở tôn giáo.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 về phân loại đất đai thì đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. được sử dụng một cách ổn định lâu dài.

Quản lý, sử dụng đất cơ sở tôn giáo

Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ sở tôn giáo cần tự rà soát, kiểm tra, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo trong Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những vấn đề sau:

  1.  Tổng diện tích đất đang sử dụng;
  2. Diện tích đất cơ sở tôn giáo theo từng nguồn gốc (do nhà nước có thẩm quyền giao; nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tự tạo lập;….); 
  3. Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê; (4) diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm.

Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyền định xử lý:

+ Trường hợp diện tích đất được tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết.

+ Trường hợp diện tích đất được tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác.

+ Trường hợp đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân cấp tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn tất quá trình rà soát, kiểm tra thực tế, xác định định ranh giới và cơ sở tôn giáo có đầy đủ những điều kiện sau:

  • Được nhà nước cho phép hoạt động;
  • Không có tranh chấp;
  • Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 07 năm 2004 thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.

Nếu đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01 tháng 07 năm 2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.

Quản lý, sử dụng đất tín ngưỡng

Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất gồm:

+ Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

+ Đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc;

+ Đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. 

Cộng đồng dân cư đang sử dụng những loại đất trên mà đất đó không có tranh chấp và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung,…nhằm thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng mà không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Và Điều 159 Luật Đất đai năm 2013 thì đất tín ngưỡng là loại đất mà trên đó có các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

Quá trình sử dụng đất tín ngưỡng phải được thực hiện đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất tín ngưỡng thì người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. 

Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 như sau: trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; còn trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép.

Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư

Cơ sở tôn giáo và cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai năm 2013:

+ Quyền chung của người sử dụng đất như: được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai;…

+ Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như: sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện nghĩa vụ tài chính; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; tuân theo quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan;….

Lưu ý rằng cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Nhà nước thu hồi đất do cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng đang sử dụng

Theo Điều 5 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, bồi thường về đất, vấn đề bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất do cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang sử dụng được quy định như sau:

* Đất nông nghiệp:

+ Đất nông nghiệp được sử dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2004, thỏa mãn hai điều kiện sau: (1) có nguồn gốc không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất do được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm và (2) có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 và thỏa mãn hai điều kiện trên thì sẽ được bồi thường về đất (đất được bồi thường có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi). Nếu không có đất để bồi thường thì người sử dụng đất được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

+ Đất nông nghiệp sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).

* Đất phi nông nghiệp (không phải đất ở của cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo):

+ Đất phi nông nghiệp sử dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 và thỏa mãn: (1) không phải là đất có nguồn gốc do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và (2) có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 và đáp ứng đủ điều kiện trên thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất bị thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo sẽ bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

+ Đất phi nông nghiệp có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu vào đất còn lại.

Trong trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, nếu cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo còn có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích chung của cộng đồng, cơ sở tôn giáo thì được Nhà nước giao đất mới tại một nơi khác và việc giao đất tại nơi khác phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là bài viết tham khảo của Công ty Luật TNHH Hanilaf về quy định quản lý, sử dụng đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho Quý khách khi muốn tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến hình thức chuyển quyền sử dụng đất và một số điều cần lưu ý.

Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật Hanilaf: 096 226 4737 để nhận được sự giải đáp thắc mắc kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin chân thành cảm ơn hợp tác của Qúy khách hàng!.

DD0007

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *