Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng
Điều kiện chung
Cá nhân muốn cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng thì cần phải đáp ứng các điều kiện chung để cấp chứng chỉ theo quy định tại Điều 66 và các điều kiện về chuyên môn theo quy định tại Khoản 4 điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể có những điều kiện như sau:
- Các điều kiện chung:
Để một cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng nói chung và Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng nói riêng thì cần phải đáp ứng những điều kiện như sau:
– Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ phải là người có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đề nghị cấp Chứng chỉ thì cần phải có các loại giấy tờ để chứng minh về nơi cư trú hoặc giấy phép lao động;
– Đáp ứng điều kiện về thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với loại Chứng chỉ đang được đề nghị cấp, cụ thể:
+ Đối với Chứng chỉ hạng I thì cá nhân đề nghị phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, cũng như là thời gian làm việc với công việc phù hợp với loại Chứng chỉ mà cá nhân đang đề nghị cấp là 07 năm trở lên;
+ Đối với Chứng chỉ hạng II thì cá nhân đề nghị phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp và đồng thời phải có từ 04 năm trở lên có thời gian làm việc với công việc phù hợp với loại Chứng chỉ hành nghề mà cá nhân đang đề nghị cấp;
+ Đối với Chứng chỉ hạng II thì cá nhân đề nghị phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp và đồng thời phải có từ 03 năm trở lên có thời gian làm việc với công việc phù hợp với loại Chứng chỉ hành nghề mà cá nhân đang đề nghị cấp.
– Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải tham gia kỳ thi sát hạch và đạt yêu cầu sát hạch đối với loại Chứng chỉ mà mình đề nghị cấp.
- Điều kiện về chuyên môn
Để cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng thì cần phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn, cụ thể như sau:
– Đối với cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ giám sát công tác xây dựng công trình thì phải được đào tạo với trình độ chuyên môn thuộc các chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến công trình xây dựng;
– Đối với cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình thì phải được đào tạo với trình đọ chuyên môn thuộc các chuyên ngành về điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước và các chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến lắp đặt các thiết bị công trình.
Điều kiện riêng với từng hạng Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng
Ngoài đáp ứng những điều kiện chung đã được nêu ở trên thì cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng cũng cần phải đáp ứng các điều kiện riêng tương ứng với từng hạng của Chứng chỉ, cụ thể như sau:
– Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng Hạng I: Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ phải đã làm giám sát trưởng hoặc là chỉ hủy trưởng tại các công trường hoặc phải đã từng là chủ trì thiết kế xây dựng công trình với phần việc thuộc nội dung đang đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề của ít nhất là 01 công trình cấp I trở lên hoặc của ít nhất 02 công trình cấp II trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
– Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng Hạng II: Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ phải đã làm giám sát trưởng hoặc là chỉ huy trưởng của công trường hoặc đã làm chủ trì thiết kế xây dựng công trình với phần việc đảm nhiệm thuộc nội dung đang đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên thuộc lĩnh vực mà cá nhân đang đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
– Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng Hạng III: Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ phải đã tham gia giám sát thi công xây dựng hoặc tham gia vào việc thiết kế xây dựng hoặc thi công xây dựng phần việc nằm trong nội dung cá nhân đang đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên thuộc lĩnh vực mà cá nhân đang đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Các lĩnh vực được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng và phạm vi hoạt động
Phụ lục số VI Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các lĩnh vực hoạt động khi được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng và phạm vi được phép hoạt động với từng lĩnh vực theo các Hạng Chứng chỉ như sau:
- Lĩnh vực Giám sát công tác xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật; Giám sát công tác xây dựng công trình giao thông và Giám sát công tác xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thông (các công trình thủy lợi, đề điều)
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng I:
+ Được làm giám sát trưởng các công trình thuộc lĩnh vực đã được ghi trong Chứng chỉ hành nghề.
+ Được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong Chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng II:
+ Được làm giám sát trưởng với các công trình từ cấp II trở xuống thuộc các lĩnh vực được ghi trong Chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
+ Được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong Chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng III:
+ Được làm giám sát trưởng của các công trình từ cấp III trở xuống thuộc các lĩnh vực được ghi trong Chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
+ Được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong Chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
- Lĩnh vực Giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng I: Cá nhân được cấp Chứng chỉ này sẽ được làm giám sát trưởng, giám sát viên lắp đắt thiết bị vào công trình của tất cả các cấp công trình.
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng II: Cá nhân được cấp Chứng chỉ này sẽ được làm giám sát trưởng lắp đặt thiết bị vào công trình của các công trình từ cấp II trở xuống và có thể làm giám sát viên lắp đặt thiết bị vào công trình của tất cả các cấp công trình.
– Chứng chỉ giám sát thi công xây dựng Hạng III: Cá nhân được cấp Chứng chỉ này sẽ được làm giám sát trưởng lắp đặt thiết bị vào công trình của các công trình từ cấp III trở xuống và làm giám sát viên lắp đặt thiết bị vào công trình của tất cả các cấp công trình.
Thủ tục xin cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng
Để được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng cá nhân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo Điều 76 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP bao gồm những loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề (cá nhân soạn thảo theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP);
– Hai ảnh 4 x 6 (ảnh màu) và tệp tin ảnh có nền màu trắng, chụp ảnh chân dung của cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề. Tất cả các ảnh đề được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
– Văn bằng, chứng chỉ được các cơ sở đào tạo có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cấp, loại văn bằng, chứng chỉ này phải phù hợp với điều kiện chuyên môn mà loại, hạng Chứng chỉ mà cá nhân đề nghị cấp. Đối với những văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi các cơ sở đào tạo nước ngoài thì cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ phải làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự văn bằng, chứng chỉ này và phải có bản dịch sang tiếng Việt Nam được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
– Đối với trường hợp cá nhân đã được cấp Chứng chỉ hành nghề mà có nhu cầu điều chỉnh hạng hoặc gia hạn Chứng chỉ của mình thì sẽ cần phải nộp lại Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền;
– Quyết định phân công công việc của tổ chức cho cá nhân đề nghị hoặc các văn bản xác nhận của người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư xác nhận về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đề nghị đã thực hiện được trong thời gian làm việc. Đối với trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải cung cấp hợp đồng và các biên bản nghiệm thi các công việc cá nhân đã thực hiện;
– Giấy tờ chứng minh về nơi cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ là người nước ngoài;
– Trường hợp cá nhân đề nghị đã tham gia sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề thì sẽ phải nộp bản sao kết quả sát hạch đạt yêu cầu.
Đối với văn bằng, chứng chỉ; chứng chỉ hành nghề đã được cấp; quyết định phân công công việc hoặc các hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc đã làm; giấy tờ nơi cư trú hoặc Giấy phép lao động thì cá nhân phải nộp bản sao có chứng thực hoặc phải nộp tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao không có chứng thực nhưng khi đi nộp phải có trách nhiệm xuất trình bản chính để đối chiếu.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã được nêu ở trên thì cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ theo Điều 86 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Đối với Chứng chỉ Hạng I thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ xây dựng.
– Đối với Chứng chỉ Hạng II và III thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Xây dựng, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận cấp Chứng chỉ.
Cá nhân có thể nộp hồ sơ qua mạng trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân đề nghị nếu đủ điều kiện (đối với trường hợp cấp mới). Đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ nhưng lại chưa thông qua kỳ thi sát hạch thì thời hạn cấp Chứng chỉ sẽ được tính từ thời điểm có kết quả sát hạch đạt yêu cầu (Quy định tại Khoản 1 Điều 80 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).
Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai.
📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DD0046