Các hình thức tổ chức kinh tế của kinh tế tập thể?

1. Các hình thức tổ chức

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng có viết: “Phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ chức hợp tác xã và hợp tác xã kiểu mới”. Như vậy, theo nghị quyết Đại hội X thì kinh tế tập thể gồm các tổ chức hợp tác xã. Một hợp tác xã có 10 thành viên được xem thuộc loại hình kinh tế tập thể trong khi một công ty cổ phần có cả hàng vạn cổ đông thì không. Điều này liệu đã hợp lý ?

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX họp tháng 2-2002 về phát triển kinh tế tư nhân xác định các loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh), hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ là các hình thức tổ chức kinh tế của kinh tế tư nhân, không phải là kinh tế tập thể.

Quan hệ sở hữu tư nhân thuộc thành phần kinh tế nào, nên xem xét một cách tổng thể mối quan hệ của nó tới ba quyền (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt), cùng với cơ chế quản lý và chế độ phân phối.

Trường hợp cả năm tiêu chí trên thuộc tư nhân thì đó là sở hữu cá nhân (các tài sản để tiêu dùng) hoặc sở hữu tư nhân một người (các tài sản cho sản xuất, kinh doanh). Đó là nhà tư bản thời kỳ tư bản chủ nghĩa giai đoạn đầu hoặc doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên của ta hiện nay.

Các công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần khác hẳn với doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên xét trên năm tiêu chí. Tuy quyền nắm giữ tài sản của công ty dạng này thuộc tư nhân, nhưng quyền sử dụng và định đoạt (quyền quyết định cho mượn, cho thuê, bán, cầm cố, thế chấp, phá hủy) lại thuộc tập thể. Nó được điều hành theo cơ chế quản lý tập thể (đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên), cơ chế phân phối tập thể (các quỹ).

Khối tài sản thuộc công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần khi được đưa vào sản xuất, kinh doanh thì mang tính tập thể rất rõ. Riêng “chiếm hữu tài sản” cũng đã là của nhiều người, tính “sở hữu” cũng giống như hợp tác xã. Chúng ta đã thừa nhập hợp tác xã thuộc kinh tế tập thể thì cũng nên xếp sở hữu tư nhân của hai loại hình tổ chức doanh nghiệp nêu trên thuộc kinh tế tập thể.

Cái mà Marx đã nêu trong Tư bản luận thời kỳ Marx sống rằng mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là xã hội hóa lực lượng sản xuất nhưng chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, ngày nay đã được chủ nghĩa tư bản thay đổi với việc hình thành các công ty cổ phần. Các công nhân áo xanh cũng trở thành ông chủ (cổ đông góp cổ phần sở hữu công ty). Các doanh nghiệp nhà nước của ta được cổ phần hóa với cổ phần nằm trong tay Nhà nước và toàn thể cán bộ, công nhân doanh nghiệp thì lực lượng sản xuất được xã hội hóa và tư liệu sản xuất cũng được xã hội hóa vì tư liệu sản xuất đã nằm trong tay nhiều người không còn thuộc tư nhân nữa.

Trên thế giới, người ta cũng xếp sở hữu tư nhân và sở hữu hợp tác thuộc quan hệ sở hữu tập thể. Theo Wikipedia, các hình thức sở hữu gồm: Sở hữu nhà nước: sở hữu chính phủ và sở hữu công (public property); Sở hữu cá nhân; Sở hữu cộng đồng (common ownership) và sở hữu tập thể (collective ownership) gồm sở hữu tư nhân (private ownership) và sở hữu hợp tác (cooperative ownership).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Tuy nhiên trên thực tế, do tư duy kỳ thị kinh tế tư nhân mà lịch sử để lại, nên kinh tế tư nhân vẫn còn gặp không ít trở ngại, vướng mắc trong tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, đất đai, quyền kinh doanh, bị phân biệt đối xử…

Việc đưa công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần vào kinh tế tập thể sẽ tạo bước tiến mới về tư duy kinh tế.

2. Ưu điểm của kinh tế tập thể

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua kinh tế tập thể (KTTT) đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng gần 24.000 hợp tác xã, tăng khoảng trên 6,5% so với năm 2018, trong đó, 22.649 hợp tác xã đang hoạt động, 1.256 hợp tác xã ngừng hoạt động. Số hợp tác xã đang hoạt động được phân loại như sau: Nông-lâm-ngư-diêm nghiệp thủy sản là 4.379 hợp tác xã, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp: 1.923 hợp tác xã, thương mại là 1.944 hợp tác xã, vận tải và dịch vụ vận tải là 1.375 hợp tác xã, xây dựng-sản xuất vật liệu xây dựng là 852 hợp tác xã, môi trường là 483 hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân là 1.180 Quỹ…

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1.014hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3 nghìn tổ hợp tác. Như vậy, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện. Hệ thống Liên minh hợp tác xã đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

3. Hạn chế của kinh tế tập thể

– Một là, khu vực kinh tế tập thể tuy tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động nhưng phát triển chưa như kỳ vọng, do phải đối mặt với những khó khăn như: biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh…

– Hai là, kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế, số lượng hợp tác xã được tiếp cận chính sách chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các hợp tác xã còn hạn chế. Nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu.

– Ba là, quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được thực hiện theo đúng quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật của hợp tác xã, các cá nhân, tổ chức liên quan.

– Bốn là, công tác tuyên truyền thực hiện Luật hợp tác xã  và các cơ chế, chính sách liên quan đến kinh tế tập thể chưa được thường xuyên, kịp thời; vai trò của Ban Giám đốc hợp tác xã trong việc hỗ trợ các thành viên, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

– Năm là, không ít hợp tác xã thực hiện đăng ký lại nhưng hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật hợp tác xã năm 2012. Sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy…

Những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu cũ.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện…

Trên đây là những vấn đề về kinh tế tập thể theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.

Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DN0138

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *