1. Hộ kinh doanh là gì?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không đưa ra một định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể. Theo đó tại Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hộ kinh doanh như sau:
– Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Như vậy, quy định này đã làm rõ bản chất của hộ kinh doanh cá thể, đó là hình thức kinh doanh của cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình kinh doanh không dưới danh nghĩa một doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và các trách nhiệm tài chính khác.
2. Cán bộ, công chức có được thành lập hộ kinh doanh không?
Có thể nói, cán bộ, công chức là đối tượng lao động đặc biệt, họ là những công dân Việt Nam thiết lập quan hệ lao động với Nhà nước và thực hiện công vụ, nhiệm vụ do nhà nước giao.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 19 Luật cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định những việc mà cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước như sau:
– Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
– Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
– Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định về những việc mà cán bộ công chức và viên chức không được làm, cụ thể như sau:
– Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
– Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
– Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
Như vậy, theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Phòng chống tham nhũng thì hiện nay pháp luật không cấm cán bộ, công chức thành lập hộ kinh doanh trừ trường hợp việc thành lập này gây ảnh hưởng đến uy tín hay bí mật của nhà nước.
Do đó, trường hợp cán bộ công chức có nhu cầu kinh doanh vẫn có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh để thực hiện hoạt động này.
3. Viên chức có được thành lập hộ kinh doanh không?
Khác với cán bộ công chức, viên chức được hiểu là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức năm 2010 quy định về quyền của viên chức trong hoạt động kinh doanh như sau:
– Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Theo đó, trong danh sách các loại hình tổ chức kinh doanh mà viên chức bị cấm không được thành lập hoặc quản lý thì hộ kinh doanh không được liệt kê. Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức được phép làm những điều mà pháp luật không cấm nên trường hợp này có thể hiểu viên chức không bị cấm đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
4. Đối tượng nào không được thành lập hộ kinh doanh?
Hiện nay, pháp luật quy định cụ thể những đối tượng không được phép thành lập hộ kinh doanh tại Khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức thuộc vào một trong các trường hợp theo quy định trên không được phép thành lập hộ kinh doanh.
Trên đây là những vấn đề về hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0023