1. Khái niệm về công ty tư nhân?
Theo quan điểm pháp luật hiện hành, Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Thứ ba, Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Thứ tư, Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Từ những quy định được nêu bên trên, có thể định nghĩa doanh nghiệp tư nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, do một cá nhân duy nhất làm chủ và cá nhân này phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.“
2. Đặc điểm doanh nghiệp tư nhân:
Trước hết phải khẳng định, doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp vì thế nó mang đầy đủ các đặc điểm chung của một doanh nghiệp như: có tên riêng, có con dấu riêng được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên tục nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận,… Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng có những đặc điểm riêng để nhận biết, phân biệt, cụ thể là:
2.1. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân. Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân. Trước đây, pháp luật về doanh nghiệp không quy định tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp tư nhân cũng như công ty hợp danh với lý do xuất phát từ việc không rõ ràng giữa quan hệ vốn góp vào doanh nghiệp và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Chính vì đặc trưng pháp lý cơ bản này mà không có sự phân định giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện để có tư cách pháp nhân theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015: “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.”
Và cũng vì xuất phát từ đặc điểm về tài sản này mà doanh nghiệp tư nhân còn phải chịu nhiều hạn chế so với các loại hình doanh nghiệp khác như không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào và chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Việc quy định mỗi người chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân là phù hợp, nhằm đảm bảo cho hoạt động của từng doanh nghiệp tư nhân và việc thanh toán nợ hay thực hiện các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp tư nhân lâm vào tình trạng khó khăn.Khi đó, tài sản của các doanh nghiệp tư nhân cùng một chủ sở hữu không độc lập với nhau và không độc lập với chủ sở hữu, việc thực hiện các thủ tục để thanh toán các nghĩa vụ tài sản sẽ rất phức tạp, vướng mắc giữa các doanh nghiệp tư nhân cùng thuộc quyền sở hữu của một người.
2.2. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ
Theo pháp luật của Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân được xếp vào nhóm các doanh nghiệp một chủ sở hữu.Từ đặc điểm này có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân được sự góp vốn, đầu tư của một cá nhân, đây cũng là dấu hiệu cơ bản cùng với một vài dấu hiệu khác để tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định trên của Luật doanh nghiệp về doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là cá nhân không phân biệt là công dân Việt Nam hay người không có quốc tịch Việt Nam. Việc tạo quy định mở như vậy nhằm tạo điều kiện và kêu gọi cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ từ các quốc gia khác đầu tư thành lập doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Doanh nghiệp có một chủ đầu tư duy nhất, hơn nữa, với việc chủ đầu tư lại là cá nhân nên có quyền quyết mọi hoạt động của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chỉ phụ thuộc vào ý chí cá nhân của mình. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân, có quyền quyết định toàn bộ đối với tài sản của doanh nghiệp cũng như quyết định việc tổ chức hoạt động doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.Tuy nhiên, tạo sự linh động cho chủ doanh nghiệp tư nhân trong kinh doanh, việc quản lý doanh nghiệp có thể được thực hiện bởi chính chủ doanh nghiệp mà cũng có thể quản lý bởi người khác (theo ý chí mong muốn của chủ doanh nghiệp). Đây cũng là một trong những ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ hay phụ thuộc vào bất kỳ ai trong việc định đoạt tài sản của doanh nghiệp, cũng như trong việc quyết định các hoạt động doanh nghiệp.
Do doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu là cá nhân nên việc phân chia lợi nhuận không đặt ra với loại hình doanh nghiệp này, toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ thuộc về một mình chủ doanh nghiệp sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ tự mình chịu toàn bộ rủi ro trong quá trình kinh doanh nếu có.
2.3. Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp
Trách nhiệm vô hạn có nghĩa là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tư nhân không có khả năng thanh toán nợ đến hạn và lâm vào tình trạng phá sản thì tất cả những tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân đều được mang ra để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và nghĩa vụ tài sản với các chủ thể khác.
Cũng chính vì chế độ trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp tư nhân mà pháp luật đã có quy định hạn chế quyền thành lập của chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân cũng không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hay thành viên của công ty hợp danh. Với các quy định như vậy, Luật doanh nghiệp đã đặt chủ doanh nghiệp tư nhân vào tình trạng khá bất lợi. Trách nhiệm vô hạn là bảo đảm an toàn pháp lý rất lớn đối với khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp nhưng lại là bất lợi không nhỏ đối với các cá nhân chịu loại nghĩa vụ này. Trong doanh nghiệp tư nhân không có sự tách biệt tài sản góp vào doanh nghiệp và tài sản dân sự khác của chủ sở hữu. Điều này đã tạo ra áp lực, trở ngại và làm kìm hãm các sáng kiến kinh doanh hoặc khả năng chấp nhận đầu tư vào các lĩnh vực có hệ số rủi ro. Bởi không có an toàn về mặt tài chính cho chủ doanh nghiệp tư nhân.
Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định từ thời điểm doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thời điểm bị áp dụng trách nhiệm vô hạn là thời điểm doanh nghiệp tư nhân bị tuyên bố phá sản.
2.4. Doanh nghiệp tư nhân không có quyền phát hành các loại chứng khoán nào
Pháp luật về doanh nghiệp hiện hành hạn chế quyền phát hành tất cả các loại chứng khoán đối với doanh nghiệp tư nhân. Chứng khoán bao gồm các loại:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh (hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn);
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định (Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019). Sở dĩ pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán là vì những nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm và bản chất của doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là những vấn đề về công ty tư nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0015