1. Đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh:
Thứ nhất, hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ (hộ kinh doanh thuộc sở hữu một chủ hoặc nhiều chủ).
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của một chủ là cá nhân và cá nhân chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh (giống như chủ doanh nghiệp tư nhân). Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của nhiều chủ. Hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người đại diện cho nhóm hoặc cho hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài.
Thứ hai, hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô kinh doanh nhỏ: có một địa điểm kinh doanh, sử dụng không quá 10 lao động.
So với doanh nghiệp thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh nhỏ thể hiện qua các tiêu chí: hộ kinh doanh chỉ có một địa điểm kinh doanh và sử dụng không quá 10 lao động. Hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Khác với hộ kinh doanh, các doanh nghiệp ngoài trụ sở chính có thể mở các chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh và nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng số lượng nhiều lao động.
Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh.
Bản chất của trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của hộ kinh doanh cũng giống như trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân: nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đàu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ. Thời điểm để trả nợ là thời điểm hộ kinh doanh phải thanh toán các khoản nợ đến hạn cho chủ nợ. Cách thức thanh toán nợ khi doanh nghiệp tư nhân mất khả năng thanh toán có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật phá sản nhưng hộ kinh doanh chỉ có thể đòi và thanh toán nợ theo trình tự giải quyết đòi nợ trong vụ án dân sự mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật phá sản.
2. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh
2.1 Quyền của hộ kinh doanh
– Hộ kinh doanh tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa điểm kinh doanh.
– Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
– Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh và phù hợp với quy định về số lượng lao động tối đa mà hộ kinh doanh được sử dụng.
– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
– Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
– Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
– Chủ hộ kinh doanh có quyền tạm ngừng hoạt động kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh.
– Hộ kinh doanh có quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
– Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.2 Nghĩa vụ của hộ kinh doanh
– Không được kinh doanh những ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề bị cấm thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. ’
– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi thông báo về việc chuyển địa chỉ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt địa chỉ mới.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh.
– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
3. Thành lập, đăng ký hộ kinh doanh
Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh. Mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
3.1 Điều kiện thành lập hộ kinh doanh
– Chủ thể thành lập hộ kinh doanh phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ và các hộ gia đình. Khác với quyền thành lập doanh nghiệp thì người nước ngoài sẽ không có quyền thành lập hộ kinh doanh.
– Hộ kinh doanh phải kinh doanh những ngành, nghề không bị cấm kinh doanh.
– Hộ kinh doanh phải chuẩn bị vốn, tài sản vì hộ kinh doanh được thành lập với nghề nghiệp là kinh doanh nên bắt buộc phải có tài sản ban đầu để tạo dựng cơ sở vật chất cho hộ kinh doanh hoạt động.
– Điều kiện về tên riêng của hộ kinh doanh.
3.2 Thủ tục thành lập, đăng ký hộ kinh doanh
Thủ tục thành lập, đăng ký hộ kinh doanh gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyên về đăng ký hộ kinh doanh.
Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi 01 bộ hồ sơ khi thành lập hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm: Tên hộ kinh doanh, địa chỉ, địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); ngành, nghề kinh doanh; số vốn kinh doanh; số lao động; họ tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
*Lưu ý:
– Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Quy định này sẽ gây khó khăn cho người thành lập hộ kinh doanh vì danh mục các ngành, nghề kinh doanh của Việt Nam trong thời điểm hiện nay chưa bao quát hết các ngành, nghề kinh doanh trong thực tế. Mặt khác, để người thành lập hộ kinh doanh tự xác định mã ngành, nghề kinh doanh và ghi vào Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh nhiều khi “vênh” với việc cơ quan đăng ký kinh doanh xác định mã ngành, nghề kinh doanh. Vì vậy, việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cần phải có sự hỗ trợ từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh và việc xây dựng danh mục ngành, nghề kinh doanh “chuẩn” trên phạm vi toàn quốc.
– Về nguyên tắc, giống như nguyên tắc thành lập doanh nghiệp, khi thành lập hộ kinh doanh thi người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh để trả lời hộ kinh doanh về việc thành lập hộ kinh doanh.
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ nếu có đủ các điều kiện sau:
– Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
– Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù họp với quy định của pháp luật;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện. Cơ quan đăng ký kinh doanh trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm.
Trên đây là những vấn đề về hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.
Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DN0028