Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì? Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai?

 

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật đất đai 2013 sửa đổi bổ sung 2018 thì quy hoạch và kế hoạch đất đai được hiểu như sau:

Quy hoạch sử dụng đất là thực hiện việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Quy hoạch sử dụng đất đai được hiểu như là quy hoạch tổng thể cho các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai khác. Theo quy định của Luật đất đai thì quy hoạch sử dụng đất là cơ sở cho các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch các ngành nghề, các vùng kinh tế, quy hoạch phát triển vùng…

Quy hoạch sử dụng đất đai được xem như là căn cứ quan trọng của kế hoạch sử dụng đất hàng năm, kỳ quy hoạch sử dụng đất được quy định có thời gian 10 năm, do đó, quy hoạch đất đai được lập ra trong một khoảng thời gian khá dài, quy hoạch này là cơ sở đó để thực hiện và vạch ra các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của vùng hay địa phương.

Quy hoạch sử dụng đất đai được cơ quan các cấp lập ra vừa nhằm mục đích quản lý, sử dụng đất đai, vừa là chỗ dựa để cơ quan nhà nước thực hiện việc quản lý Nhà nước trên địa bàn quy hoạch, địa bàn quy hoạch này phụ thuộc vào địa bàn trên cả nước hoặc địa bàn của vùng tuỳ theo phạm vi quy hoạch đã được quy định trước đó.

Khi đã được xem là quy hoạch, tức quỹ đất nằm trong quy hoạch đều được dự tính trước mục đích sử dụng đất, do vậy, quy hoạch sử dụng đất đai được lập ra sẽ có vai trò hạn chế được tình trạng sử dụng đất tự phát không theo quy hoạch, gây nên những hậu quả lãng phí về sức người sức của. Quy hoạch sử dụng đất được tính toán về mục đích sử dụng đất sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng đất tự phát, không đạt hiệu quả kinh tế, gây lãng phí tài nguyên đất đai, tránh các sai phạm trong quá trình sử dụng đất.

Kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai được hiểu là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.

2. Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai?

Theo Điều 35 Luật đất đai 2013 sửa đổi bổ sung 2018 thì nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rõ ràng và yêu cầu việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân theo các nguyên tắc này.

– Về nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

+ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia khi tiến hành lập phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã. Điều này nhằm nắm bắt và đảm bảo sự cụ thể trong quy hoạch, lập ra một quy hoạch chi tiết phù hợp với đặc điểm đất của các vùng.

+ Nguyên tắc cơ bản của việc lập quy hoạch sử dụng đất là bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng do đây là các loại đất quan trọng đối với kinh tế cũng như tự nhiên.

+ Việc lập quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo việc khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng giai đoạn, sự linh hoạt này cần đến sự xem xét và có các biện pháp từ cơ quan lập quy hoạch.

+ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch cơ bản và là quy hoạch có tầm nhìn rộng nhất, do đó khi lập quy hoạch sử dụng đất thì nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia. 

+ Theo quy định của Luật đất đai thì thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm.

– Về nguyên tắc lập kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

+ Kế hoạch sử dụng đất được lập dựa trên quy hoạch sử dụng đất và phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của xã hội, của tình hình kinh tế từng tỉnh, huyện trên địa bàn.

+ Kế hoạch sử dụng đất được lập ra phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm đồng bộ kế hoạch sử dụng đất giữa các cấp, đặc biệt đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải phù hợp với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, tránh việc lập kế hoạch không phù hợp với hiện trạng phân bổ đất.

+ Cũng như việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất phải được lập nên nhằm mục đích sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; đồng thời kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo việc khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo việc sử dụng đất đạt hiệu quả tối đa nhất.

+ Kế hoạch sử dụng đất bao gồm: Kế hoạch sử dụng đất quốc gia; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; kế hoạch sử dụng đất an ninh.

+ Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật Hanilaf: 096 226 4737 để nhận được sự giải đáp thắc mắc kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin chân thành cảm ơn hợp tác của Qúy khách hàng!.

DD0142

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *