Thế nào là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đặc điểm của doanh nghiệp này?

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo quy định mới, tổ chức kinh tế phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh thì sẽ có đa số thành viên là cá nhân;

Trường hợp hai, có tổ chức kinh tế theo quy định tại trường hợp 1 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

Trường hợp ba, có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại trường hợp 1 nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

Nếu với quy định cũ Khoản 6 Điều 3 của Luật Đầu tư 2005 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện đầu tư tại Việt Nam hoặc trường hợp là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.Theo quy định này, doanh nghiệp Việt chỉ cần có một cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được coi như là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp này sẽ phải gánh chịu những điều kiện đầu tư dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết của Việt Nam với WTO.

Căn cứ theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp quy định trường hợp doanh nghiệp mà có nhà đầu tư nước ngoài chiếm hữu dưới 49% cổ phần được áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với các nhà đầu tư trong nước. Hệ lụy của tình trạng này là có thể cùng một vấn đề nhưng sẽ có cách ứng xử ở các địa phương khác nhau trong thực hiện thủ tục đầu tư.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, mang những đặc điểm của doanh nghiệp chung:

  • Là một tổ chức, có tên riêng: Mỗi một doanh nghiệp được hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm cả việc chịu trách nhiệm với các hoạt động của mình dưới hình thức là một tổ chức, hay còn gọi là pháp nhân. Đi kèm với đó là mỗi doanh nghiệp sẽ có một tên riêng. Việc này giúp phân biệt các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực, trong cùng khu vực địa lý với nhau; khẳng định vị thế khác nhau của từng doanh nghiệp. Từ đó tạo sự khác biệt cũng như đẩy mạnh sự cạnh tranh ngay từ cái tên của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những quy định riêng về việc đặt tên và đăng kí tên cho doanh nghiệp được đặt ra trong Luật Doanh nghiệp, Luật SHTT,…
  • Doanh nghiệp có tài sản riêng: Tài sản của doanh nghiệp là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động của mình. Có nhiều loại tài sản của doanh nghiệp được phân loại dựa trên những căn cứ khác nhau. Căn cứ vào hình thái vật chất của tài sản mà người ta chia tài sản của doanh nghiệp thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Căn cứ vào vai trò của tài sản đối với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp mà người ta chia thành tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản lưu thông. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn đóng góp của các chủ sở hữu doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự tích luỹ được từ hoạt động kinh doanh. Tài sản của doanh nghiệp độc lập với tài sản của cá nhân, các thành viên trong doanh nghiệp và các tổ chức khác. 
  • Có trụ sở giao dịch: Mỗi doanh nghiệp phải có trụ sở giao dịch cụ thể, rõ ràng, đã được đăng ký trụ sở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xác định có trụ sở cụ thể này nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, và từ đó có thể thực hiện các giao dịch nhằm mục đích thu lợi nhuận từ các hoạt động của mình.
  • Được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật: Doanh nghiệp có tính hợp pháp. Tính hợp pháp ở đây thể hiện thông qua việc Doanh nghiệp muốn thành lập doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và nhận được giấy phép đăng ký thành lập. Khi nhận được sự giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được nhà nước công nhận sự tồn tại và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động bằng chính tài sản riêng của mình.
  • Doanh nghiệp hoạt động nhằm mục đích kinh doanh sinh lời: Doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh phần lớn đều hướng đến lợi nhuận hoặc thực hiện cung ứng dịch vụ thường xuyên, lâu dài. Khoản lợi nhuận thu được sẽ phục vụ các lợi ích cần tới của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng mang những đặc điểm riêng như sau:

  • Về thành viên, cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

  • Hình thức tổ chức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty TNHH hai thành viên trở lên; và Công ty cổ phần.

  • Tư cách pháp lý:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân.

  • Tỷ lệ sở hữu vốn:

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ một số trường hợp được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan.

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trước khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà nội dung đó đồng thời là nội dung đăng ký đầu tư thì phải điều chỉnh nội dung đăng ký đầu tư được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Ngành nghề kinh doanh:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Điều 6 và các Phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2020. Bên cạnh đó trên trang chủ của Bộ Công thương cũng đăng tải danh sách các điều kiện đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho các nhà đầu tư thực hiện.

Trên đây là những vấn đề về doanh nghiệp nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Doanh nghiệp.

Gọi ngay tới số Hotline: 0962.264.737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DN0132

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *