Năm 2022, sang tên Sổ đỏ cần những điều kiện gì?

So với cấp Sổ đỏ lần đầu thì điều kiện sang tên Sổ đỏ (chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất) dễ đáp ứng, dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn. Vậy, sang tên Sổ đỏ cần những điều kiện gì?

Điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.

– Đất không có tranh chấp.

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên thì phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 191, 192 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

* Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

– Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

– Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

* Hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện:

– Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.

– Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.

– Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất.

Điều kiện về chủ thể thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho

* Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Căn cứ Điều 20, 21, 22, 23 và 24 Bộ luật Dân sự 2015, người chuyển nhượng, người tặng cho phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (muốn bán, muốn tặng cho đất cho người khác thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ), cụ thể:

– Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Người chưa thành niên không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của mình cho người khác.

* Điều kiện khi có chung quyền sử dụng đất (là tài sản chung của vợ chồng, góp tiền cùng nhau mua, hộ gia đình sử dụng đất)

– Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì khi chuyển nhượng, tặng cho phải có sự thỏa thuận bằng văn bản (theo khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

– Quyền sử dụng đất là tài sản chung theo phần (hai hoặc nhiều người cùng mua, giờ muốn bán lại) thì phải được sự đồng ý của tất cả những người có chung quyền sử dụng đất đó, trừ trường hợp đủ điều kiện tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho phần đất riêng của mình.

– Nếu Giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình sử dụng đất thì phải có sự đồng ý của tất cả thành viên có chung quyền sử dụng đất bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực (không cần sự đồng ý của người không có chung quyền sử dụng đất dù người đó có thể là con).

Trên đây là bài viết tham khảo của Công ty Luật TNHH Hanilaf về những điều kiện cần có khi sang tên Sổ đỏ.

Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật Hanilaf: 096 226 4737 để nhận được sự giải đáp thắc mắc kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin chân thành cảm ơn hợp tác của Qúy khách hàng!

Chủ đề: Sang tên Sổ đỏ.

DD 1295

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *