Điều kiện diện tích tối thiểu tách thửa đất ở Lạng Sơn

Tỉnh Lạng Sơn quy định như thế nào về điều kiện tách thửa đất. Bài viết dưới đây Luật HANILAF xin cung cấp các quy định hiện hành của tỉnh Lạng Sơn về điều kiện tách thửa và phân tích điều kiện tách thửa cụ thể tại tỉnh thành này, cụ thể như sau:

Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang áp dụng Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND để quy định về diện tích và điều kiện tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cụ thể điều kiện và diện tích tối thiểu được quy định như sau: 

Điều kiện để tách thửa đất tại tỉnh Lạng Sơn

– Để có thể thực hiện thủ tục tách thửa đất tại tỉnh Lạng Sơn thửa đất được tách phải đáp ứng các điều kiện chung như sau: 

+ Thửa đất dự định tách phải là thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013; 

+ Nếu mục đích sử dụng đất của thửa đất thuộc trường hợp đất có thời hạn sử dụng thì đất này phải còn thời hạn sử dụng đất;

+ Thửa đất dự định tách phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với các hộ gia đình cá nhân muốn tách thửa thì ngoài đáp ứng điều kiện chung ở trên thì cần phải đáp ứng những điều kiện như sau: 

+ Việc thực hiện thủ tục tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng đất hạn chế đối với các thửa đất liền kề với thửa đất của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa (quy định tại Điều 171 Luật đất đai năm 2013); 

+ Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đáp ứng đủ diện tích tối thiểu để tách thửa theo Quyết định này. Việc giải quyết thủ tục tách thửa phải được giải quyết một cách đồng thời với thủ tục hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

+ Các thửa đất được hình thành sau khi thực hiện thủ tục tách thửa phải đảm bảo phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu hoặc phải xây dựng đường giao thông theo quy định của pháp luật.

– Đối với trường hợp tổ chức thực hiện thủ tục tách thửa thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung thì tổ chức phải đáp ứng điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc thực hiện tách thửa phải theo dự án đầu tư và phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quy hoạch phân khu và bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

– Đáp ứng diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định của Quyết định của tỉnh. 

Những trường hợp không được thực hiện thủ tục tách thửa

Điều 3 Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND có quy định về các trường hợp không được phép tách thửa, cụ thể  như sau: 

– Thửa đất thuộc khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục bảo tồn theo quy định của pháp luật; 

– Thửa đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc thửa đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 

– Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết hoặc có thông báo của cơ quan có thẩm quyền; 

– Thửa đất đang có tranh chấp về đất đai hoặc tranh chấp về tài sản gắn liền trên đất và tại thời điểm làm thủ tục tách thửa đang bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn để có thể đảm bảo cho việc thi hành án theo quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án;

– Thửa đất dự định tách thửa nằm trong khu vực đang bị ô nhiễm môi trường hoặc thửa đất nằm trong các khu vực có các nguy cơ sạt lở, nguy cơ bị sụt, lún hoặc là nằm trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi thiên tai có thể đe dọa đến tính mạng của con người – theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình trạng này; 

– Thửa đất dự định tách thửa để phân chia tài sản, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có công trình kiến trúc gắn liền với đất mà sau khi thực hiện việc tách thửa đất phần công trình kiến trúc trên đất không thể chia tách riêng biệt, nếu thực hiện việc chia tách riêng biệt này sẽ dẫn đến việc gây thiệt hại đến các công trình kiến trúc đang tồn tại; 

– Thửa đất có vi phạm các quy định về đất đai mà tại thời điểm đề nghị tách thửa chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật;

– Thửa đất hiến tặng cho Nhà nước để Nhà nước xây dựng các loại công trình công cộng, xây dựng trụ sở của  cơ quan Nhà nước, xây dựng các công trình sự nghiệp, xây dựng các tổ chức chính trị xã hội; 

– Thửa đất thuộc phần diện tích đất đã hiến tặng cho các hộ gia đình, cá nhân để các hộ gia đình, cá nhân này xây dựng nhà tình thương, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng nhà đại đoàn kết;

– Mục đích tách thửa đất để thực hiện việc chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Diện tích tối thiểu để tách thửa tại tỉnh Lạng Sơn

Đối với loại đất là đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 

– Khi tách thửa đất ở thuộc các khu vực phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì cần đáp ứng điều kiện: 

+ Thửa đất mới hình thành sau tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 40m2; 

+ Chiều rộng mặt tiền của thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa phải có kích thước tối thiểu là 3m;

+ Chiều sâu của thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa phải có kích thước tối thiểu là 4m.

(Phần diện tích đất trên không được phép bao gồm diện tích đất hành lang bảo vệ các công trình công cộng)

– Khi tách thửa đất ở thuộc các khu vực nông thôn thuộc khu vực trung tâm cụm xã, trung tâm các xã, các khu vực giáp ranh với khu vực đô thị theo quy hoạch đã được duyệt, thửa đất thuộc khu vực giáp với đường giao thông có mặt cắt từ 13m trở lên (xác định từ chỉ giới đường giao thông hoặc xác định từ chỉ giới quy hoạch đường giao thông) thì cần đáp ứng điều kiện sau: 

+ Thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 40m2;

+ Chiều rộng mặt tiền của thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa có kích thước tối thiểu là 4m;

+ Chiều sâu của thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa có kích thước tối thiểu là 5m.

– Khi tách thửa đất ở tại khu vực nông thôn (không thuộc các trường hợp được nêu ở trên) thì cần phải đáp ứng các điều kiện như sau: 

+ Thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 60m2; 

+ Chiều rộng mặt tiền của thửa đất mới hình thành có kích thước tối thiểu là 5m; 

+ Chiều sâu của thửa đất mới hình thành có kích thước tối thiểu là 5m.

– Trường hợp thửa đất ở sau khi thực hiện thủ tục tách thửa có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu để tách thửa (được nêu ở trên) thì chỉ được phép thực hiện thủ tục tách thửa khi sau khi tách thửa sẽ hợp thửa với thửa đất ở liền kề (thửa đất mới hình thành sau khi hợp thửa phải đáp ứng đủ diện tích tối thiểu để tách thửa đã nêu ở mục trên).

– Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đất nhưng mục đích sử dụng đất của thửa đất muốn tách không phải là đất ở, nhưng việc tách này phù hợp với kế hoạch sử dụng đất là đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; thửa đất sau khi tách thửa có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu để tách thửa thì việc tách chỉ được thực hiện khi thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện thủ tục hợp thửa với thửa đất ở liền kề (thửa đất mới hình thành phải đáp ứng diện tích tối thiểu để tách thửa đã nêu ở trên)

– Trường hợp thực hiện thủ tục tách thửa đất nhưng một phần thửa đất nằm trong phần diện tích đã có thông báo thu hồi đất thì chỉ được xem xét thực hiện thủ tục tách thửa đất khi phần diện tích còn lại sau tách thửa đã trừ đi diện tích nằm trong thông báo thu hồi phải đảm bảo diện tích tối thiểu để tách thửa như đã nêu ở trên

– Trường hợp thực hiện việc phân chia tài sản theo quyết định của cơ quan Tòa án thì nếu thửa đất không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa thì không thực hiện thủ tục tách thửa mà thực hiện việc phân chia tài sản theo hình thức định giá tài sản theo phần của mỗi người và phân chia theo quyết định của Tòa án.

Đối với đất nông nghiệp

– Trường hợp thửa đất muốn tách là đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác thì diện tích tối thiểu để tách thửa là 180m2;

– Trường hợp thửa đất muốn tách là đất rừng sản sản xuất thì thửa đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 1000m2;

– Trường hợp phần diện tích đất định tách thửa nằm trong các khu vực hành lang an toàn giao thông đường bộ, và thực tế tại thời điểm hiện tại người sử dụng đất không còn sử dụng đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp thì không áp dụng diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định của đất nông nghiệp mà cơ quan quản lý đất đai cho phép tách thửa đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở, thửa đất thương mại, dịch vụ hoặc thửa đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đồng thời phải ghi thông tin hạn chế về quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

Gọi ngay tới số Hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0961

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *