Có được đổi đất với người ở xã, huyện, tỉnh khác?

1. Có được đổi đất với người ở địa phương khác?

Điểm b khoản 1 Điều 179 và Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác.

Mục đích đổi đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Quyền được đổi đất nông nghiệp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau rất phù hợp với nhu cầu, mong muốn của người dân. Ngoài việc tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như đi lại, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch,… còn giúp xóa bỏ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún.

Tóm lại, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không phụ thuộc người đổi đất với mình ở đâu, chỉ cần các thửa đất nông nghiệp được chuyển đổi cho nhau có địa chỉ trong cùng xã, phường, thị trấn.

2. Điều kiện đổi đất nông nghiệp với người khác

Theo khoản 1 Điều 168, khoản 1 Điều 188 và Điều 190 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp muốn đổi đất nông nghiệp cho nhau phải có đủ điều kiện sau:

(1) Có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng), riêng trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê đất thì được đổi sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất (không cần đợi đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận).

(2) Đất chuyển đổi không có tranh chấp.

(3) Quyền sử dụng đất chuyển đổi không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

(4) Trong thời hạn sử dụng đất (còn thời hạn sử dụng đất).

(5) Chỉ được chuyển đổi đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn.

3. Hợp đồng đổi đất không bắt buộc công chứng, chứng thực

Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sau:

“…

  1. b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;”.

Căn cứ quy định trên, việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thực hiện theo yêu cầu của các bên. Nói cách khác, hợp đồng đổi đất nông nghiệp không bắt buộc công chứng, chứng thực.

4. Hồ sơ, thủ tục đổi đất nông nghiệp

4.1. Hồ sơ đổi đất nông nghiệp

Lưu ý: Hồ sơ chuyển đổi đất nông nghiệp dưới đây không thuộc trường hợp “dồn điền, đổi thửa”.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

* Thành phần hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK.

Trong đơn phải thể hiện tổng diện tích nhận chuyển đổi tại điểm 4 Mục I của Mẫu số 09/ĐK (Lý do biến động) như sau: “Nhận chuyển đổi … m2 đất; tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng do nhận chuyển quyền và đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 là… m2 và từ ngày 01/7/2014 đến nay là… m2 (ghi cụ thể diện tích nhận chuyển quyền theo từng loại đất, từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)”;

– Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê.

4.2. Thủ tục đăng ký chuyển đổi quyền sử dụng đất

Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

– Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

– Đối với địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa có thành lập Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian thực hiện: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày làm việc nếu là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Thuế, lệ phí phải nộp khi đổi đất nông nghiệp

Điều 190 Luật Đất đai 2013 quy định nghĩa vụ tài chính khi hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn với nhau như sau:

– Không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (vì các bên không phát sinh thu nhập từ việc chuyển đổi, bản chất ở đây là đổi “ngang” nhằm thuận lợi khi sản xuất nông nghiệp).

– Không phải nộp lệ phí trước bạ.

 Trên đây là bài viết tham khảo của Công ty Luật TNHH Hanilaf. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho Quý khách khi muốn tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến hình thức chuyển quyền sử dụng đất và một số điều cần lưu ý.

Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật Hanilaf: 096 226 4737 để nhận được sự giải đáp thắc mắc kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin chân thành cảm ơn hợp tác của Qúy khách hàng!.

DD1133

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *