Đất ở bao nhiêu năm thì được cấp sổ đỏ? Hồ sơ cấp sổ đỏ cần gì?

Sổ đỏ là gì? Đất ở bao nhiêu năm thì được cấp Sổ đỏ?

 Hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm Sổ đỏ là gì. Đây chỉ là một thuật ngữ được sử dụng khi nhắc đến “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Việc gọi Sổ đỏ do màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sửu dụng đất.

  Căn cứ vào hệ thống pháp luật đất đai hiện hành, điều kiện để được cấp Sổ đỏ được chia thành 02 trường hợp như sau:

 – Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

 – Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

  Từ đó, ta có thể thấy điều kiện để người dân được cấp Sổ đỏ hay chính là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là việc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hay không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Điều kiện này không liên quan đến thời hạn sử dụng đất, người dân ở đất đấy được bao nhiêu năm cũng chưa chắc họ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không xuất trình ra được những giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất.

 

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và có giấy tờ về quyền sử dụng đất

  Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong số những giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16,17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

 –  Giấy tờ liên quan đến  quyền sử dụng đất và đều đứng tên mình

  Nếu hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn đình mà có một trong các loại giấy tờ sau thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất:

 + Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

 + Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

 + Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng năm 1993; 

 + Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

 + Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất: được hướng dẫn bởi Điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT cụ thể bao gồm: Bằng khoán điền thổ; Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đối nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chúng nhận; Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp; Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành; Các loại giấy tờ khác chứng minh việc tạo lập nhà ở, đất ở nay được Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có đất ở công nhận.

 + Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ: được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16,17 Điều 17 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

 – Giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất nhưng đứng tên người khác

  Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, thì vẫn được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất nếu có đủ các điều kiện sau:

 + Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất (giấy văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất) có chữ ký của các bên liên quan, nhưng đến trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực (01/7/2014) vẫn chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

 + Đất đang ở ổn định phải không có tranh chấp.

 – Hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đang sử dụng đất theo:

 + Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân;

 + Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án;

 + Văn bản công nhận kết quả hòa giải thành;

 + Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

  Nếu hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật. 

 – Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (01/7/2014) mà chưa được cấp giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

  Trường hợp này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 20 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất để xác định điều khoản chuyển tiếp

  Nếu hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng lại không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

  Do không xác định được các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 nên tùy vào thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp của thửa đất và địa bàn sử dụng cũng như mục đích sử dụng đất mà pháp luật sẽ đưa ra những quy định cấp Giấy chứng nhận khác nhau.

  Căn cứ Điều 101 Luật đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất nhưng vẫn có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:

 – Hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất:

  Hộ gia đình, cá nhân không có các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất nếu thỏa mãn cả 04 điều kiện sau:

 + Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tính đến trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành là ngày 01/7/2014;

 + Hộ khẩu thường trú tại địa phương;

 + Trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

 + Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

 – Hộ gia đình, cá nhân có thể phải nộp tiền sử dụng đất:

  Hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có thể phải nộp tiền sử dụng đất nếu thỏa mãn đủ 03 điều kiện sau:

 + Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01/7/2004; 

 + Không vi phạm pháp luật về đất đai;

 + Được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần giấy tờ gì?

  Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, người dân lần đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chuẩn bị Hồ sơ gồm những loại giấy tờ như sau:

 – Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;

 – Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất; 

 – Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/7/2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK;

 – Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

 – Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

  Các loại giấy tờ trong Hồ sơ để làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu có thể được nộp dưới một trong các hình thức sau:

 – Nộp bản sao giấy tờ đã có công chưng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;

 – Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;

 – Nộp bản chính giấy tờ.

Trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ

Bước 1: Nộp hồ sơ

Căn cứ vào Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chuẩn bị đầy đủ Hồ sơ nêu trên và đem hồ sơ đến nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể được quy định như sau:

 – Trường hợp 1: Cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.

 – Trường hợp 2: Cá nhân, hộ gia đình không nộp tại Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi có đất:  

 + Địa phương có bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa

 + Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký đất đai, như: Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

  – Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa nộp lệ phí thì cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ trong thời gian tối đa là 03 ngày.

 – Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi nhận đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, người nộp hồ sơ nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 4: Trả kết quả

Giấy chứng nhận sẽ được trao cho người dân trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong thủ tục.

Thời gian để Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được tăng thêm 15 ngày, tức là tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0078

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *