Người có tài sản chết sau 30 năm chia thừa kế thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc hưởng di sản thừa kế, việc tranh chấp kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người được hưởng di sản, do đó nếu bạn hoặc gia đình mình gặp vấn đề này và chưa có phương án giải quyết thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Quy định pháp luật về việc hưởng di sản thừa kế

Câu hỏi: Em chào luật sư cho em hỏi về chia thừa kế khi người có tài sản mất đã trên 30 năm như sau: Ông bà nội em cùng đứng tên trên sổ đỏ của 1 mảnh đất. Ông bà nội em có 5 người con. Ông nội em mất đã hơn 30 năm không có di chúc. Ba em là người trông coi và giữ tài sản của ông bà. nhà 5 người con nhưng chỉ 1 mình Ba em nộp thuế nhà nước hơn xx triệu để đổi từ sổ tạm qua sổ đỏ (lúc giải tỏa năm 201x). Vậy cho em hỏi giờ đã qua 30 năm để các cô bác khởi kiện. Vậy ba em có quyền được hưởng mảnh đất đó 100% và làm sổ đỏ mới đứng tên ba em không ạ. Cảm ơn luật sư. Kính chờ.

Trả lời: Theo thông tin bạn cung cấp thì nguồn gốc mảnh đất bố bạn đang trông coi là của ông bà bạn, do ông bà bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận nên mảnh đất được xác định là tài sản chung của ông bà bạn, tức là ½ giá trị mảnh đất thuộc quyền sử dụng của ông bạn, ½ giá trị mảnh đất còn lại thuộc quyền sử dụng của bà bạn. Vì ông bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: bà bạn và 5 người con của ông bà; mỗi người được hưởng một phần di sản bằng nhau. Về thời hiệu thừa kế, Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Theo đó, thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, nếu như thời điểm mở thừa kế của ông bạn trước 1990 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản được tính từ 1990 theo quy định tại Mục I Công văn số 01/GĐ-TANDTC về việc giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ:

“I. VỀ DÂN SỰ

Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.”

Như vậy, theo quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Ông bạn mất đã hơn 30 năm (mất trước năm 1990) nên hiện tại vẫn còn thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Do đó, nếu bố bạn muốn đứng tên trên Giấy chứng nhận thì phải có sự đồng ý của những người thừa kế khác. Trường hợp bố bạn tự ý làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì những người con khác của ông bà có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến số tiền bố bạn bỏ ra để đổi từ sổ tạm sang sổ đỏ: Đây không phải là căn cứ để xác lập quyền sử dụng đất của bố bạn. Trường hợp khoản tiền là nghĩa vụ ông bà bạn phải nộp mà bố bạn đã nộp thay ông bà thì bố bạn có quyền yêu cầu ông bà trả lại cho mình số tiền đó. Vì ông đã mất nên bố bạn có thể yêu cầu các cô bác dùng di sản thừa kế của ông để thanh toán cho bố bạn số tiền mà bố bạn đã bỏ ra. Nếu những người thừa kế không đồng ý thanh toán thì bố bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận, huyện nơi có bất động sản để giải quyết theo đúng quy định pháp luật. 

Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

Gọi ngay tới số Hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0847

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *