Câu hỏi tư vấn:
Câu hỏi 1: Bố mẹ e có tài sản là thửa đất đã được cấp bìa đỏ, nhà em có 4 anh chị em. Bố mẹ em đều đã qua đời. Nay xã e chủ trương cấp đổi từ bìa đỏ sang bìa hồng. Các anh chị em làm văn bản phân chia tài sản thừa kế nhưng cán bộ tư pháp xã không cho phân chia thửa đất ra từng phần theo nguyện vọng của anh chị em nhà em mà buộc thống nhất đứng tên 1 người để cấp đổi bìa hồng rồi sau đó mới tách thửa. Như vậy có đúng không?
Câu hỏi 2: Ông bà nội bạn em và bố bạn em đã qua đời. Hiện nay các chú (em trai bố) lập văn bản phân chia tài của cha mẹ để lại nhưng bạn của em không được tham gia mà chỉ có mẹ của bạn e được tham gia ký vào văn bản. Cho e hỏi cán bộ tư pháp làm như thế có đúng quy định không?
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật TNHH HANILAF, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp của bạn, anh chị em bạn phải làm thủ khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật đối với thửa đất là di sản do bố mẹ bạn để lại để có căn cứ cấp GCNQSDĐ. Tiếp theo, về việc phân chia di sản thừa kế và ghi tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất được quy định chi tiết tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT:
“4. Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:… (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)”.
Như vậy, chỉ trong trường hợp những người thừa kế tự thỏa thuận chứa phân chia di sản và đề nghị cấp GCNQSDĐ cho 1 người đại diện thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp 1 GCNQSDĐ và ghi tên một người đại diện. Do đó, đây không phải là quy định bắt buộc và cán bộ tư pháp không được quyết định việc này.
Ở đây, các anh chị em bạn đã làm văn bản phân chia tài sản thừa kế, việc làm này là hợp pháp và cơ quan có thẩm quyền phải cấp GCNQSDĐ ghi đầy đủ tên của tất cả những người được thừa kế quyền sử dụng đất và cấp cho mỗi người 01 GCNQSDĐ. Đây là nguyên tắc trong việc cấp GCNQSDĐ ghi nhận tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013:
“2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”
Do đó, việc cán bộ tư pháp yêu cầu buộc phải thống nhất đứng tên 1 người để cấp đổi bìa hồng trong khi các bạn đã có văn bản thỏa thuận về phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất là chưa chính xác.
Thứ hai, trường hợp bạn của bạn. Bạn không trình bày rõ sự việc, rằng di sản thừa kế được chia theo pháp luật hay theo di chúc, rằng bạn ấy có được chia di sản hay không, bạn ấy đã đủ tuổi thành niên chưa? Theo quy định, trong văn bản phân chia di sản thừa kế thì chỉ có những người được nhận di sản thừa kế mới được tham gia phân chia và ký kết. Do vậy, nếu bạn ấy được nhận một phần di sản thừa kế thì phải được ký kết trong văn bản phân chia di sản thừa kế, ngược lại thì sẽ không cần có sự tham gia của bạn ấy.
Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai.
📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DD0612