Quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, kênh mương?

Hiện nay để kịp thời tiêu thoát nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tại các địa phương đều đã xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất, hệ thống kênh mương khá đồng bộ. Theo quy định của pháp luật thì hệ thống kênh mương này sẽ đi kèm theo hành lang bảo vệ nguồn nước.

Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi có một mảnh đất với diện tích được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1700m2 được Phòng tài nguyên môi trường quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2015. Bên cạnh mảnh đất có một hệ thống kênh mương với hành lang bảo vệ nguồn nước là 2m. Hiện nay, hành lang bảo vệ nguồn nước của hệ thống kênh mương này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tôi muốn dùng một vài xe đất để đổ trên hành lang này tránh sạt lở. Tuy nhiên, người hàng xóm của tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương rằng tôi đang xâm lấn khu đất này. Vậy cho tôi hỏi, việc tôi muốn chủ động cải tạo khu đất này để tránh sạt lở hỗ trợ người dân địa phương khắc phục sự cố với hệ thống hành lang bảo vệ nguồn nước của con kênh này là đúng hay sai? Xin được luật sư tư vấn ạ!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hệ thống Tổng đài trực thuộc công ty Luật HANILAF. Căn cứ những thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Khái niệm hành lang bảo vệ nguồn nước

Khái niệm hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định cụ thể, chi tiết tại khoản 22, điều 2 của Luật tài nguyên nước 2012: “22. Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.”

Những nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ

Những nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ được liệt kê tại điều 31 của Luật tài nguyên nước năm 2012. Cụ thể như sau:

Điều 31. Hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm:

a) Hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước khác;

b) Hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác; đầm, phá tự nhiên;

c) Sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng đối với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường;

d) Các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

2. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.”

Yêu cầu đặt ra khi sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước

Một số yêu cầu đặt ra đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định chặt chẽ tại điều 15 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Yêu cầu đối với các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không được gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa;

b) Không làm ảnh hưởng đến các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước;

d) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước sau đây:

a) Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác;

b) San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai;

c) Khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ;

d) Khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.”

Như vậy, từ những nội dung trong các điều luật trên, có thể khẳng định rằng việc bạn dùng đất để san lấp phần đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước cho con kênh tại khu vực gần mảnh đất của bạn nhằm mục đích chống xói mòn, sạt lở đất là có ý tốt nhưng bạn cần đề xuất ý kiến của mình và được sự đồng ý bằng văn bản của Sở tài nguyên môi trường trước khi thực hiện hành vi này để tránh việc gây ảnh hưởng xấu đến chức năng vốn có của hành lang bảo vệ nguồn nước trên.

  Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai. 

Gọi ngay tới số Hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.

DD0931

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *