Thủ tục khiếu nại, tố cáo hành vi lấn chiếm đất
Căn cứ vào Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:
Quyền chung của người sử dụng đất:
– Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
– Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
– Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
– Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
– Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”
Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất:
– Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
– Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
– Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
– Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.
Trường hợp của bạn thì người hàng xóm đã vi phạm quy định của pháp luật cụ thể là vi phạm nghĩa vụ khi sử dụng đất theo quy định tại Điều 170 như trên. Như vậy, khi người hàng xóm có hành vi vi phạm thì bạn có quyền được khiếu nại, tố cáo hành vi đó theo quy định.
Về trình tự thủ tục làm đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 204 và Điều 205 Luật Đất đai 2013 có quy định:
“Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
- Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Điều 205. Giải quyết tố cáo về đất đai
- Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
- Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.”
Theo quy định tại Điều 204 như trên thì bạn có thể thực hiện việc khiếu nại về đất đai với cơ quan có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục được quy định cụ thể trong Chương II, Mục 1 và Mục 2 của Luật Khiếu nại năm 2011 Bạn có thể tham khảo mẫu đơn của Công ty chúng tôi khi tiến hành khiếu nại về đất đai như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-
.…….., ngày……tháng…….năm…………
ĐƠN KHIẾU NẠI VỀ VIỆC BỊ LẤN, CHIẾM ĐẤT
Kính gửi : UBND Xã …………… Huyện …………… Tỉnh …………..
Tôi tên là …………………………………….. Sinh năm ………………….
Địa chỉ:…………………………………………………………………………….
Xin trình bày sự việc như sau :
Ngày ……. tháng…….năm……… tôi được cấp GCNQSDĐ số …….
tại thửa…………. Sau khi điều chỉnh do tôi chuyển nhượng 80m2 cho Ông ( bà) ………….
theo hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày …… tháng …… năm ………… thì thửa ………………
của tôi còn lại …………. m2, cụ thể theo bản đồ địa chính thể hiện trên GCNQSDĐ thì thửa
………………… có kích thước còn lại là chiều ngang mặt tiền 3,5 mét, chiều dài 19,2 mét, chiều
ngang mặt hậu 3,5 mét. Thế nhưng hiện nay mặt hậu thửa ……. của tôi chỉ còn 2,5 mét vì đã bị
bà ( ông ), ngụ tại số …….. đường …….. ấp ……. xã …….. huyện ……. tỉnh, là người sử dụng đất liền
kề lấn chiếm.
Vậy nay tôi làm đơn này kính xin UBND Xã………Huyện…………..Tỉnh ……………………….
xử lý hành vi lấn, chiếm đất đai của bà (ông) để trả lại cho tôi đủ mặt hậu thửa …………….
là 3,5 mét như Nhà nước đã công nhận QSDĐ hợp pháp cho tôi.
Tôi gửi kèm theo đơn GCNQSDĐ số ……………… ngày ………. tháng … năm …………..
Kính mong quí cơ quan nhanh chóng giải quyết, tôi xin thành thật biết ơn.
Kính đơn!
Người làm đơn
(ký và ghi rõ họ tên)
Xây cổng sát nhà người khác có bị coi là lấn chiếm đất hay không?
Theo quy định tại Điều 174 và khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 174. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng
Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
- Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy, theo quy định trên thì nhà A làm như vậy là sai, việc xây cổng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của việc sử dụng đất liền kề của nhà B vi phạm các nguyên tắc về xây dựng.
Việc nhà B đã làm đơn lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết nhưng đều bị làm ngơ thì hành vi của cơ quan đó là sai và đó cũng là dấu hiệu của tham nhũng nếu bạn có bằng chứng cụ thể chứng minh được cơ quan có thẩm quyền đó nhận hối lộ của nhà A. Các hành vi được coi là tham nhũng được quy định tại Điều 3 của Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH2011 như sau :
“1. Tham ô tài sản.
- Nhận hối lộ.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
- Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Lấn chiếm đất gây ảnh hưởng đến hộ gia đình?
Theo quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải tại Điều 251 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc xử lý đường thoát nước thải phải không để nước thải sinh hoạt chảy tràn sang hộ gia đình liền kề hoặc gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt công cộng.
Về nghĩa vụ của gia đình bạn trong việc tạo điều kiện sinh hoạt cho các chủ sở hữu bất động sản liền kề: Theo quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề tại Điều 245 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.
Đồng thời, Điều 252 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
“Điều 252. Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề
Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, trong trường hợp này nếu do yếu tố tự nhiên như nước chảy từ vị trí cao sang vị trí thấp, không ngăn chặn được dòng chảy… mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản thì người sử dụng bất động sản không phải bồi thường. Tuy nhiên, khi sử dụng người sử dụng phải có giải pháp thích hợp để hạn chế mức thấp nhất khả năng gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản. Nếu người sử dụng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì đương nhiên sẽ phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản.
Tranh chấp lấn chiếm đất hẻm của hộ gia đình kề nhau?
Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Để giải quyết tranh chấp, pháp luật khuyến khích các bên tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, nếu không thể tự giải quyết được có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
Cách 1: Hòa giải tranh chấp đất đai tại chính quyền địa phương
Được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
- Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
- Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Nếu thủ tục hòa giải tại cấp cơ sở không thành, gia đình bạn có thể viết đơn khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn.
Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;…”
Chúng tôi rất sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn của quý khách liên quan đến Pháp luật về Đất đai.
📞📞📞 Gọi ngay tới số 🔥🔥hotline: 0962264737 hoặc tới địa chỉ Công ty tại 176 Đường Láng – Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội để nhận được sự hỗ trợ.
DD0032